Thị trường bắt đầu phiên đầu tuần mới và đầu tháng mới trong sắc xanh nhưng diễn biến giằng co sớm xuất hiện và mọi nỗ lực kéo chỉ số đều thất bại. Độ rộng có xu hướng nghiêng về phía giảm điểm cho thấy dòng tiền vẫn thiếu sự tham gia chủ động.
Mặc dù vậy, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, CTG, GAS duy trì được sắc xanh phần nào giúp VN-Index cân bằng. Tuy giảm điểm nhưng thanh khoản vẫn duy trì ở mức thấp nên áp lực bán đã có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bước sang phiên chiều, VN-Index vẫn giằng co dưới tham chiếu vào đầu phiên nhưng từ gần giữa phiên trở đi thì chỉ số bất ngờ bật tăng khá tích cực nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng.
Sắc xanh dần chiếm ưu thế ở phần lớn các cổ phiếu trên thị trường, trong đó nổi bật trong phiên là nhóm bán lẻ với MWG tăng 5,45%, DGW tăng 2,78%, VRE tăng trần đóng góp điểm số cho thị trường chung.
Gần cuối phiên, chỉ số chung tăng hơn 9 điểm nhờ lực cầu tiếp tục tăng tốt, giúp VN-Index nhẹ nhàng vượt ngưỡng 1.250 điểm.
Mặc dù có phiên tăng tốt, song dòng tiền lớn chưa vào cuộc khiến thanh khoản thị trường hôm nay tụt dốc, với giá trị giao dịch cả 3 sàn chỉ đạt khoảng 14.886 tỷ đồng.
Khối ngoại vẫn chưa có tín hiệu giảm bán ròng, với tổng giá trị bán ròng hôm nay đạt 774,56 tỷ đồng, tập trung bán FPT, FUEFVND, TCB.
Kết thúc phiên giao dịch hôm nay, HOSE có 276 mã tăng và 141 mã giảm, VN-Index tăng 9,24 điểm (+0,74%), lên 1.264,56 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 487 triệu đơn vị, giá trị đạt 13.115 tỷ đồng, giảm 42% cả về khối lượng và 37% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 54,3 triệu đơn vị, giá trị đạt 1.223 tỷ đồng.
Sàn HNX có 97 mã tăng và 76 mã giảm, HNX-Index tăng 0,97 điểm (+0,41%), lên 238,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 51 triệu đơn vị, giá trị đạt 983 tỷ đồng, giảm 33% về khối lượng và 31% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 6 triệu đơn vị, giá trị đạt 416 tỷ đồng.
Sàn UPCoM có 131 mã tăng và 158 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,24 điểm (-0,25%), xuống 97,30 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40 triệu đơn vị, giá trị đạt 788 tỷ đồng, giảm 51% về khối lượng và 35% về giá trị so với phiên cuối tuần trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,26 triệu đơn vị, giá trị đạt 86,3 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai cũng có phiên hồi phục mạnh trở lại. Kết phiên, VN30F2407 tăng hơn 10 điểm, lên 1.285 điểm.
Đánh giá về diễn biến thị trường phiên hôm nay, CTCK Vietcombank cho biết, dòng tiền bắt đáy đã dần xuất hiện giúp cho VN-Index có được phiên phục hồi, tuy nhiên, vẫn sẽ cần thêm thời gian tích lũy trước khi bước vào nhịp tăng điểm mới.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư có thể cân nhắc giải ngân từng phần đối với cổ phiếu duy trì được xu hướng, giữ vững vùng giá hỗ trợ và cho tín hiệu hồi phục.
Nhận định về chiến lược đầu tư tuần này, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích, CTCK VNDIRECT cho rằng, thị trường bắt đầu bước vào mùa công bố kết quả kinh doanh quý II với nhiều dự báo cho thấy đà tăng trưởng lợi nhuận sẽ tiếp diễn.
Bên cạnh đó, thị trường đón nhận một số thông tin hỗ trợ vào cuối tuần qua. Ngày 29/6, Tổng cục Thống kê công bố số liệu vĩ mô quý II/2024 với kết quả tích cực. Cụ thể, GDP quý II/2024 tăng trưởng 6,93% so với cùng kỳ, vượt dự báo của thị trường.
Ông Đinh Quang Hinh khuyến nghị nhà đầu tư nên ngừng bán tháo ở vùng này vì nắm giữ cổ phiếu vẫn sẽ mang lại lợi nhuận khá tích cực trong vòng 3 tháng tới. Đồng thời, nhà đầu tư cần chuẩn bị sẵn sàng giải ngân quyết liệt nếu chỉ số VN-Index điều chỉnh về vùng hỗ trợ mạnh 1.200-1.220 điểm, ưu tiên nhóm ngành chưa tăng mạnh trong thời gian vừa qua như ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, điện và nhóm xuất khẩu.