Định vị thị trường
Bối cảnh của khu vực vẫn tích cực nhưng ở phiên hôm nay (ngày 13/3), trạng thái của các chỉ số chủ yếu dao động trong biên độ hẹp. NIKKEI 225 (-0,26%), HSI (-0,02%), SZI (-0,26%) giảm điểm không đáng kể còn KOSPI (+0,44%), SET (+0,29%) tăng nhẹ.
Tuy nhiên, VN-Index lại vượt qua vận động chung của khu vực để gỡ lại hết điểm số đã mất vừa qua. Mức đóng cửa phiên hôm nay của chỉ số VN-Index đạt gần sát đỉnh 18 tháng.
Chất xúc tác
Mức độ quan tâm về từ khóa "tín phiếu" trên công cụ Google Trend đã ấm lên trong thời gian qua. Tuy nhiên, so với giai đoạn thị trường điều chỉnh sâu vào tháng 9-10 năm ngoái, vẫn chưa cho thấy sức nóng của tín phiếu ảnh hưởng tới tâm lý số đông.
Còn với nhà điều hành, hoạt động chào thầu tín phiếu có phiên thứ 2 vào chiều qua (ngày 12/3). Đã có 14.999,7 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất 1,4%, qua đó khối lượng tín phiếu NHNN lưu hành trên thị trường tăng lên mức 29.999,5 tỷ đồng.
Theo thống kê từ Refinitiv Eikon, lãi suất liên ngân hàng sau khi nhảy vọt đã tạm thời giảm xuống 1,46%/năm ở kỳ hạn qua đêm. Kỳ hạn 1 tuần, 2 tuần được giao dịch tại 1,6%/năm và 1,8%/năm.
Trong khi đó, mức khớp lệnh của VN-Index lại hồi phục khá nhanh nhưng duy trì ở dưới mức bình quân 20 phiên, còn khớp lệnh của VN30 lại hụt nhẹ. Dù vậy, giá trị giao dịch của toàn HOSE lại tăng tới 27% cho thấy dòng tiền đã phân bổ khá nhiều sang các cổ phiếu Midcap và Penny. Thực tế, mức khớp lệnh của 2 chỉ số VNMID và VNSML đều bật mạnh lên trên mức bình quân 20 phiên.
Ngoài ra cũng cần lưu ý tới giao dịch của khối ngoại khi họ bán ròng với quy mô gần 460 tỷ đồng trên HOSE. Các mã VNM (-242 tỷ đồng), VHM (-121 tỷ đồng) là 2 cổ phiếu bị khối ngoại bán ra nhiều nhất.
Vận động thị trường
Dù dòng tiền đang rất ưu ái cho các cổ phiếu Midcap và Penny nhưng nền tảng của phiên hồi phục mạnh vẫn phải đến từ ngân hàng và các cổ phiếu lớn khác. Với ngân hàng, hầu hết các cổ phiếu trên HOSE và 2 sàn còn lại đều tăng giá trong đó, VIB (+3,5%), ACB (+3,4%), MBB (+3,2%), VPB (+2,7%), TPB (+2,7%), OCB (+2,4%), SHB (+2,2%), STB (+2%) tăng trên 2%.
Các mã lớn như FPT (+4,6%), SSI (+4,5%), MWG (+3,9%), MSN (+2,8%), GVR (+2,2%) cũng tham gia tích cực vào nỗ lực kéo điểm. Tổng cộng, rổ VN30 có 29/30 mã tăng giá.
Với sự hậu thuẫn từ các cổ phiếu lớn, nhà đầu tư có thể tiếp tục yên tâm khai phá các cơ hội giao dịch tại nhiều nhóm ngành.
2 nhóm ngành nổi bật nhất phiên là chứng khoán và khu công nghiệp với VIX, VCI, VDS, ORS, GIL, VGC tăng trần, bên cạnh các mã LHG (+4,1%), IJC (+4%), SIP (+3,1%), CTS (+5,6%), BSI (+4,8%), AGR (+4,3%), VND (+4,2%) tăng từ 3% trở lên.
Các cổ phiếu dầu khí, hóa chất, phân bón, thép, năng lượng, bán lẻ cũng góp mặt một số gương mặt tiêu biểu như DGC (+6,98%), DPM (+3,57%), DCM (+3,86%), HSG (+3,43%), TV2 (+6,9%), HDG (+3,73%)… Tổng cộng, sắc xanh đã phủ tới 77% số mã trên HOSE.
VN-Index đóng cửa ở mức cao nhất phiên, tăng 25,51 điểm lên 1.270,51 điểm. Cùng với đó là sự cải thiện về xu hướng ngắn hạn của các cổ phiếu với gần 60% các mã trên sàn đã trở lại trên đường MA20.
Trên 2 sàn còn lại, HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều tăng điểm khả quan với biên độ lần lượt 1,78% và 0,84%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.000 tỷ đồng.