Định vị thị trường
Xu hướng của chứng khoán châu Á vẫn tích cực dù thị trường Nhật Bản gần đây gặp phải hoạt động chốt lời khá mạnh. NIKKEI 225 vẫn có phiên giảm thứ 4 liên tiếp nhưng đã có phản kháng về cuối phiên, đồng thời cũng là nỗ lực để không bị trượt xa khỏi xu hướng tăng ngắn hạn.
Trong khi đó, chỉ số HSI (+3,05%) tăng nổi bật nhất, kế đến các chỉ số KOSPI (+0,83%), TWSE (+0,96%), STI (+0,15%) cũng đều ghi nhận sắc xanh.
VN-Index đã không để nhịp giảm điểm bước sang phiên thứ 3. Chỉ số cho thấy sự phản ứng tích cực với đường xu hướng ngắn hạn khi tăng trở lại gần 10 điểm.
Chất xúc tác
Phiên đấu thầu tín phiếu trong năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã xuất hiện với 14.999,8 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất 1,4%, kỳ hạn 28 ngày. Nhiều khả năng, các phiên đấu thầu tiếp theo sẽ còn diễn ra.
Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm đã ngay lập tức có sự nhảy vọt lên 1,5%, tăng 0,7% so với phiên giao dịch trước. Trong khi đó, tỷ giá tự do của USD giảm hơn VND/USD. Điều này cũng cho thấy những tác động nhanh chóng từ hành động của NHNN.
Với dòng tiền trên thị trường chứng khoán, sẽ chưa thể lấy lại sự tự tin của nhà đầu tư sau những xáo trộn vừa qua. Mức khớp lệnh của HOSE đã có lần đầu tiên sau 18 phiên liên tiếp duy trì trên mức bình quân 20 phiên rơi xuống thấp hơn. Đây là bằng chứng rõ nhất về sự thận trọng của dòng tiền.
Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài có chiều hướng gia tăng sự hiện diện khi tiền nội trở nên thận trọng. Đóng góp 2 chiều của khối ngoại chiếm 11,25%. Hoạt động rút ròng của khối ngoại cũng đã quay trở lại với giá trị rút ra trên HOSE đạt hơn 170 tỷ đồng, trong đó MWG (-262 tỷ đồng), VIX (-145 tỷ đồng) là 2 cổ phiếu bị bán ra nhiều.
Vận động thị trường
Một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho thanh khoản thị trường sụt giảm là do Ngân hàng chưa thể lấy lại sự sôi động. Mã được giao dịch tốt nhất nhóm Ngân hàng là MBB (440 tỷ đồng) giao dịch chưa tới 500 tỷ đồng, xếp sau hàng loạt các cổ phiếu khác như HPG, SSI, MWG, VND, VIX, MSN.
Tuy nhiên, Ngân hàng cũng cần những khoảng lặng sau phiên giảm sâu ngày thứ Sáu tuần trước. Việc các cổ phiếu bị bán mạnh về tài khoản nhà đầu tư không gây cú sốc về cung trong phiên chiều nay được xem là một phần của sự thành công.
Các mã MBB (+0,7%), OCB (+1%), CTG (+1%), LPB (+1,8%) còn tăng giá trở lại trong khi BID (+3%) và TCB (+2%) là 2 cổ phiếu tăng tốt nhất ngành.
Nhà đầu tư thay vì hoảng sợ lại chỉ tiếp tục chuyển hướng sang các nhóm ngành khác. Nổi bật nhất là các nhóm Khu Công nghiệp, Cao su, Bán lẻ, Công nghệ với GVR (+6,94%), SIP (+6,9%), SZC (+3,94%), DPR (+6,94%), DGW (+7%), FRT (+2,27%), ELC (+6,9%).
Nhóm cổ phiếu "họ Viettel" cũng là một chủ đề khá đặc trưng với CTR (+2,52%) và VTP (+20%) trong đó VTP có phiên đầu tiên ra mắt sàn HOSE. Tính từ đầu năm VTP đã tăng 38,3%.
Sắc xanh của HOSE cũng phản ánh dòng tiền đang tận hưởng nhiều cơ hội giao dịch: 260 mã tăng so với 200 mã giảm và 95 mã đứng giá tham chiếu.
VN-Index chốt phiên tăng 9,51 điểm lên 1.245 điểm (+0,77%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 20.756 tỷ đồng, tương đương 836,22 triệu đơn vị.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng đều tăng điểm nhẹ, lần lượt 0,08% và 0,12%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.400 tỷ đồng.