Định vị thị trường
Quan điểm thân thiện hơn từ lãnh đạo của FED đã tạo ra tâm lý tích cực hơn với nhà đầu tư trên toàn cầu. Sau phiên tăng mạnh của chỉ số NIKKEI 225, đến lượt thị trường chứng khoán Hàn Quốc đóng vai trò dẫn dắt tâm lý tại châu Á. Động lực tăng của KOSPI (+1,98%) còn đến từ báo cáo kết quả kinh doanh của Samsung không tiêu cực như dự báo.
Sắc xanh xuất hiện tại hàng loạt các chỉ số như CSI (+0,28%), SCHMP (+0,12%), KLCI (+0,14%), SET (+1,33%). VN-Index cũng tăng điểm phiên thứ 4 liên tiếp nhưng chưa phải là một phiên "bùng nổ theo đà" để xác nhận sự đảo chiều xu hướng.
Chất xúc tác
Thông điệp từ lãnh đạo FED cũng giúp cho đồng USD hạ nhiệt so với các đồng ngoại tệ khác. Chỉ số DXY đã giảm xuống dưới mức 106 điểm, qua đó giúp cho tỷ giá trung tâm tiếp tục giảm 2 đồng xuống mức 24.065 VND/USD.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, vận động của DXY chưa đủ để làm đảo chiều xu hướng tăng ngắn hạn nên sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) qua kênh tín phiếu cũng khó có thể chấm dứt. Phiên hôm qua, có gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giảm xuống mức 0,8%. Như vậy, NHNN hút ròng 10.000 tỷ đồng từ thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 155.700 tỷ đồng.
Mức lãi suất liên ngân hàng theo thống kê từ Refinitiv Eikon cho thấy thanh khoản hệ thống vẫn đang rất dồi dào. Lãi suất liên ngân hàng qua đêm sáng nay ghi nhận được tiếp tục giảm 31 điểm cơ bản xuống 0,41%.
Trong khi đó, giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài đã tạm thời cân bằng hơn trên thị trường chứng khoán. Khối này đã quay lại mua ròng 22,17 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Tiền nội trong khi đó vận động kém sôi động khi cả HOSE chỉ giao dịch được 12.193 tỷ đồng, tương đương 543,05 triệu đơn vị. Nhóm VN30 không có động thái tăng giá mạnh từ các cổ phiếu trụ thay vào đó là các mã SSI (+4%), GVR (+3,2%), PLX (+2,5%) có biên độ tốt nhất.
Các mã nhóm Vingroup hay Ngân hàng chủ yếu chỉ dao động trong biên độ 1% qua đó chỉ giúp cho VN30 có thành tích tăng 0,6%.
Sự hồi phục của các cổ phiếu Midcap và Penny tỏ ra tốt hơn đã giúp cho VN-Index tăng tốt hơn VN30. Chốt phiên, chỉ số tăng 0,62% lên 1.150,81 điểm.
Dù vậy, với thực lực của dòng tiền đang khá yếu, nên đà tăng vẫn chưa thực sự thuyết phục. Nhóm Dầu khí và Chứng khoán có sự đồng đều nhất với các mã VND (+3,74%), HCM (+3,15%), FTS (+6,9%), AGR (+5,7%), ORS (+3,7%), VCI (+4,9%), PVD (+6,1%), PVT (+4,7%), PSH (+2,1%)…
Ở nhóm Đầu tư công và Thép, các cổ phiếu chủ yếu tăng từ 2-3% như VCG (+3%), KSB (+2,1%), FCN (+2%), LCG (+3%), HSG (+2,1%), SMC (+2,7%), NKG (+2,8%). Độ rộng của HOSE đạt 48% mã tăng.
Trong khi đó, HNX-Index mới là chỉ số tận dụng tốt hơn cơ hội để bật lên, chỉ số tăng 1,21% lên 237 điểm. Còn UPCoM-Index tăng 0,34%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.500 tỷ đồng.