Giá vàng trên thị trường quốc tế tăng mạnh trở lại, kéo theo giá vàng trong nước được điều chỉnh tăng thẳng đứng.
Cụ thể, tính đến 9h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ ở mức 77,4-78,65 triệu đồng/lượng (mua - bán), tăng 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với kết phiên giao dịch trước.
Tương tự, Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji cũng tăng giá vàng nhẫn đắt thêm 150 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với kết phiên trước, niêm yết giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 ở mức 77,5-78,65 triệu đồng/lượng (mua - bán).
Trong khi, đầu phiên giao dịch 11/9, giá vàng miếng 9999 của SJC không đổi so với kết phiên trước, niêm yết ở ngưỡng 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 78,5 - 80,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
So với đầu phiên giao dịch trước, giá vàng tại DOJI giữ nguyên cả hai chiều mua vào và bán ra.
Trên thị trường quốc tế, vào thời điểm sáng 11/9, giá vàng thế giới tăng cao, quy đổi theo giá USD ngân hàng ở mức gần 76,3 triệu đồng/lượng, đã bao gồm thuế và phí, thấp hơn khoảng 4,2 triệu đồng/lượng so với giá vàng trong nước.
Chuyên gia phân tích thị trường Han Tan của Exinity Group nhận định, giá vàng giao ngay đang được hỗ trợ trên mức tâm lý 2.500 USD/ounce và bất kỳ đợt giảm giá nào sau dữ liệu CPI cũng sẽ thu hút người mua.
Chiến lược gia hàng hóa Daniel Ghali của TD Securities cho rằng, giá vàng đang chờ đợi các động lực tiếp theo, trong đó có chỉ số giá tiêu dùng. Kết quả cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, giới chuyên gia dự báo CPI tháng 8 sẽ tăng 0,2%, không đổi so với tháng trước.
Tính đến thời điểm sáng 11/9, giá vàng đã tăng 21% kể từ đầu năm, đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.531,6 USD/ounce vào ngày 20/8. Môi trường lãi suất thấp hơn thường làm tăng sức hấp dẫn của vàng khi làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ kim loại quý này.