Định vị thị trường
Tác động từ việc Dow Jones vươn về gần đỉnh không được ghi nhận trong biến động của thị trường châu Á. Trong phiên hôm nay (ngày 1/12), các chỉ số NIKKEI 225 (-0,17%), KOSPI (-1,19%), KLCI (+0,22%), TWSE (+0,03%), có một phiên dao động trái chiều trong biên độ hẹp.
VN-Index đã có một phiên tự thử thách bản thân với những câu chuyện riêng về kinh tế vĩ mô lẫn tâm lý của nhà đầu tư.
Chất xúc tác
Yếu tố hỗ trợ dòng tiền vẫn được nhà quản lý củng cố với hoạt động bơm ròng trên thị trường mở. Phiên hôm qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bơm ròng 8.550 tỷ đồng ra thị trường, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 23.549,9 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dấu hiệu phục hồi của kinh tế vĩ mô vẫn chưa thực sự được thể hiện rõ ràng. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng - Purchasing Managers' Index™ (PMI®) ngành sản xuất Việt Nam của S&P Global đã giảm xuống mức thấp năm tháng là 47,3 điểm trong tháng 11/2023 so với 49,6 điểm của tháng 10/2023. Đáng chú ý, nhu cầu yếu khiến số lượng đơn đặt hàng mới của các nhà sản xuất Việt Nam giảm trở lại trong tháng 11, từ đó sản lượng đã giảm ở mức đáng kể hơn. Các công ty cũng cắt giảm việc làm và hoạt động mua hàng, đồng thời cũng tỏ ra ngần ngại trong việc tích trữ hàng tồn kho.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng phải đón nhận thêm thông tin khởi tố hình sự với Chủ tịch LDG về tội lừa dối khách hàng mua dự án tại Đồng Nai.
Giao dịch trên HOSE tiếp tục thể hiện sự ảm đạm với phiên thứ 5 liên tiếp khớp lệnh dưới mức bình quân 20 phiên. Khối ngoại chỉ đóng góp 7% giao dịch và lại có phiên bán ròng hơn 300 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Với những thông tin kém tích cực kể trên, các cổ phiếu đều chịu chung sự thử thách tâm lý. Nhóm bất động sản gánh chịu nhiều áp lực nhất khi LDG (-6,8%) giảm sàn, kéo theo TCH (-2%), VHM (-1%), DXG (-0,7%) cũng phải đương đầu với lực bán ra.
Tuy nhiên, dường như những sự kiện trên lại không tạo cú sốc tâm lý với thị trường. Bên bán ra tại các cổ phiếu kể trên và nhiều nhóm ngành khác chỉ mang tâm lý lướt sóng.
Nhiều nhà đầu tư có sẵn vị thế đã tận dụng việc mua/bán 2 chiều để giảm giá vốn. Tuy nhiên, đây là những hành động đòi hỏi sự tập trung cao độ và sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi thị trường vận động không như kỳ vọng.
Điều này chưa xảy ra khi VN-Index chủ yếu lại đang dao động quanh 1.100 điểm. Nhóm VN30 chỉ tạo ra những rung lắc nhẹ và tới cuối phiên lại có 23/30 mã tăng giá. Một số mã như VJC, VRE, SSI, BVH, MSN, GAS, VNM, BID, HPG có thành tích tăng khá đồng đều về cuối phiên.
Độ rộng của HOSE đạt 43,7% mã tăng giá và thậm chí còn một số mã được dòng tiền kéo tăng mạnh như PET (+6,8%), HAG (+5,83%).
Chỉ số VN-Index chốt phiên tăng 0,73% lên 1.102,16 điểm. Thanh khoản đạt 598,45 triệu đơn vị, tương đương 12.085 tỷ đồng.
Trong khi đó, HNX-Index tăng 0,05% lên 226,26 điểm còn UPCoM-Index tăng 0,24%. Thanh khoản 2 sàn đạt hơn 1.800 tỷ đồng.