Cụ thể, theo dữ liệu VBMA tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày 03/05/2024, có 12 đợt phạt hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận trong tháng 4/2024 với tổng giá trị 12.100 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 36.088 tỷ đồng, với 06 đợt phát hành ra công chúng trị giá 8.878 tỷ đồng (chiếm 24,6% tổng giá trị phát hành) và 30 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 27.210 tỷ đồng (chiếm 75,4% tổng số).
Trong tháng, các doanh nghiệp đã mua lại 21.500 tỷ đồng trái phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã mua lại trước hạn đạt 37.054 tỷ đồng, giảm 29,7% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm 43,8% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 16.213 tỷ đồng).
Đáng chú ý, từ nay đến cuối năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 180.457 tỷ đồng.
Trong đó, giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm Bất động sản với khoảng 73.736 tỷ đồng (chiếm 41%), theo sau là nhóm Ngân hàng với gần 38.097 tỷ đồng (chiếm 21%), …
Về kế hoạch phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2024, theo VBMA, Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank; mã chứng khoán: HDB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 năm 2024, được chia thành đợt 1 và đợt 2 với tổng giá trị tối đa lần lượt là 8.000 tỷ đồng và 12.000 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV; mã chứng khoán: BID) cũng đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ giai đoạn 1 trong năm 2024 với tổng giá trị tối đa 8.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu “ba không”: không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và không có tài sản đảm bảo, mệnh gia 100 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn trên 5 năm.
Tương tự, Công ty CP Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Bimico KSB; mã chứng khoán: KSB) đã thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng với tổng giá trị tối đa 300 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.