Theo thống kê của HOSE, kết thúc tháng 03/2024, chỉ số VN-Index đạt 1.284,09 điểm, VNAllshare đạt 1.312,81 điểm, VN30 đạt 1.296,90 điểm; tăng lần lượt 2,50%, 3,47%, 2,46% so với cuối tháng 02/2024 và tăng 13,64%, 13,71%, 14,62% so với cuối năm 2023.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng, thể hiện ở khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 1 tỷ cổ phiếu/ngày, với giá trị giao dịch bình quân đạt hơn 26.495 tỷ đồng/ngày; tăng lần lượt 19,7% về khối lượng và 28,1% về giá trị bình quân so với tháng 02/2024.
Tổng giá trị giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài trong tháng 03/2024 đạt trên 107.837 tỷ đồng, chiếm 9,7% tổng giá trị giao dịch cả chiều mua và bán của của toàn thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài đã thực hiện bán ròng trong tháng với giá trị hơn 8.710 tỷ đồng.
HOSE đã có thêm 2 mã cổ phiếu mới được niêm yết và chính thức đưa vào giao dịch, bao gồm mã VTB của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel và mã NAB của Ngân hàng TMCP Nam Á.
Giá trị vốn hóa cổ phiếu trên HOSE đạt hơn 5,22 triệu tỷ đồng, tăng 3,10% so với tháng 02/2024 và hơn 23,06% so với cuối năm 2023, chiếm hơn 94% tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu niêm yết toàn thị trường và tương đương 51,12% GDP năm 2023 (GDP theo giá hiện hành).
So với tháng 2, số lượng cổ phiếu có quy mô vốn hóa trên 1 tỷ USD được giữ nguyên tại con số 43 mã trong khi đó 2 gương mặt có vốn hóa trên 10 tỷ USD vẫn VCB và BID.
Đáng chú ý, trong danh sách 43 cổ phiếu có vốn hóa trên 1 tỷ USD, có 1 thay đổi duy nhất là sự quay trở lại của cổ phiếu KBC, thay thế cho PGV. Như vậy, sau 6 tháng liên tiếp vắng mặt trong nhóm tỷ USD, KBC đã có lần đầu trở lại danh sách.
Mức tăng trưởng giá của cổ phiếu KBC trong tháng 3/2024 là 12,74%, được xem là mức tăng giá cao. Ngoài KBC, chỉ có 5 phiếu khác có mức tăng trưởng hơn 10% là DGC (+10,18%), VIB (+12,32%), MWG (+10,6%), GVR (+15,9%), TCB (+12,67%).
Theo đánh giá của CTCK ACBS, định giá của VN-Index theo P/E quá khứ đã tiệm cận mức trung vị 3 năm trong đó định giá VN30 cũng tiệm cận mức trung vị nhờ sự đóng góp từ đà tăng trong giai đoạn vừa qua. Trong khi đó, định giá của cổ phiếu vốn hóa vừa (Midcap) đã vượt xa mức trung vị và định giá nhóm cổ phiếu vốn hóa vẫn còn thấp hơn so với mức trung vị khá nhiều.
Để VN-Index có thể tiếp tục đà tăng giá bền vững và vượt lên khỏi mức trung vị, KQKD quý I/2024 của các doanh nghiệp niêm yết phải có được sự khởi sắc rõ ràng so với cùng kỳ năm trước, hoặc thanh khoản thị trường phải duy trì ở mức hiện tại trong một thời gian dài. ACBS dự báo một số ngành có thể ghi nhận KQKD quý I/2024 cải thiện rõ rệt so với cùng kỳ năm 2023 bao gồm: vật liệu xây dựng, xây dựng hạ tầng, xuất khẩu, dầu khí và chứng khoán.