Lãi suất huy động tiếp tục đi ngang ở vùng thấp
Thống kê từ thị trường cho thấy, sau khi giảm 20-50 điểm trong tháng 12/2023, lãi suất huy động tại các ngân hàng tiếp tục nối dài xu hướng giảm khi tiếp tục giảm nhẹ 5-20 điểm trong tháng 1/2024.
Thống kê cho thấy, trong tháng 1/2024, mức lãi suất trung bình giảm về khoảng 4,73% đến 4,98%/năm. Mức giảm mạnh nhất được ghi nhận ở nhóm các ngân hàng quốc doanh do nguồn vốn của hệ thống vẫn đang rất dồi dào.
Các ngân hàng quốc doanh hiện đang triển khai lãi suất cho kỳ hạn 12 tháng cụ thể như sau: Agribank, VietinBank và BIDV có chung mức lãi suất là 4,8%/năm. Riêng Vietcombank có mức lãi suất thấp hơn cho cùng kỳ hạn là 4,7%/năm.
Sau kỳ nghỉ Tết, mặt bằng lãi suất huy động tháng 2/2024 tại các ngân hàng tiếp tục duy trì ở mức thấp, thậm chí có ngân hàng tiếp tục điều chỉnh giảm thêm ở một số kỳ hạn, ví như tại Vietcombank, lãi suất huy động kỳ hạn 6-9 tháng duy trì ở mức 3,0%, kỳ hạn 12 tháng trở lên đều niêm yết là 4,7%/năm; tại BIDV, lãi suất kỳ hạn 6-9 tháng là 3,2%/năm, 12-18 tháng là 4,8%/năm, 24 tháng trở lên là 5,0%/năm; hay tại Sacombank, kỳ hạn 6 tháng có lãi suất huy động là 3,7%/năm (giảm 0,3% so với đầu tháng 2/2024), 9 tháng là 4,0%/năm (giảm 0,3% so với đầu tháng), 12 tháng là 4,8%/năm, 24 tháng là 5,5%/năm…
Lãi suất huy động liên tục phá đáy thể hiện nhu cầu tín dụng không đột biến. Thanh khoản thị trường liên ngân hàng nhiều khả năng không xảy ra trạng thái thiếu hụt vào giai đoạn Tết nguyên đán. Định hướng giai đoạn này là duy trì mặt bằng lãi suất ổn định ở mức thấp và tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động kinh tế phục hồi.
Tượng tự lãi suất huy động, lãi suất cho vay cũng có xu hướng giảm khá trong giai đoạn tháng 12/2023 và tháng 1/2024 với mức giảm lên tới 1%. Tuy nhiên, vẫn có sự phân hóa giữa các ngành nghề và nhu cầu tín dụng và niềm tin kinh doanh vẫn chưa thực sự hồi phục.
Chốt năm 2023, tăng trưởng tín dụng đạt 13,5%. Ngay từ đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng định hướng 15% cho thấy cam kết của NHNN về việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu tín dụng hỗ trợ các hoạt động kinh tế. Tuy vậy giới chuyên môn cho rằng, vẫn cần thêm thời gian khi tốc độ hồi phục nền kinh tế vẫn khá chậm rãi.
Lãi suất cho vay tiếp tục giảm
Trong bối cảnh lãi suất huy động đã về vùng thấp lịch sử, các chuyên gia phân tích từ CTCK KB Việt Nam (KBSV) dự báo mặt bằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục đi ngang ở vùng thấp trong hầu hết cả năm 2024. Trong bối cảnh đó, lãi suất cho vay bình quân sẽ có dư địa để giảm thêm 0,75% - 1,0%, dựa trên những luận điểm sau:
Thứ nhất, cầu tín dụng nhiều khả năng sẽ phục hồi, tuy nhiên khó có đột biến. Do những khó khăn tồn đọng từ năm 2023 chưa thể được khắc phục triệt để trong năm sau. Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ chỉ tăng trưởng quanh mức 6%, với lĩnh vực bất động sản - khu vực có tỷ trọng đóng góp cao trong tăng trưởng tín dụng, chưa thể hồi phục mạnh mẽ.
Theo đó, áp lực lên mặt bằng lãi suất cho vay từ phía cầu sẽ chưa lớn. “Chúng tôi dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ đạt mức quanh 13,5% - 14,5%, thấp hơn chỉ tiêu 15% mà NHNN giao trong năm 2024”, các chuyên gia KBSV dự báo.
Thứ hai, chính sách điều hành của NHNN vẫn theo hướng nới lỏng khi mà áp lực lạm phát và tỷ giá hạ nhiệt. Cụ thể, với việc lạm phát đang có xu hướng giảm tốc ở hầu hết các nền kinh tế lớn trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc, 2 đầu tàu tăng trưởng kinh tế thế giới, được dự bảo sẽ tăng trưởng chậm lại trong năm sau, lạm phát toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2024, hỗ trợ xu hướng ổn định lạm phát của Việt Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia của KBSV cũng thể hiện sự quan ngại với yếu tố bất ngờ từ rủi ro địa chính trị vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt, không chỉ ở chảo lửa Trung Đông, mà còn ở khả năng bùng phát xung đột ở các khu vực khác. Tình hình khó lường một mặt có thể đẩy tâm lý toàn cầu trở nên bi quan hơn, mặt khác có thể tạo ra một cú sốc cung gây áp lực lạm phát chi phí đẩy, từ đó tác động tới mặt bằng lãi suất.
Thứ ba, đối với tỷ giá, việc Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đảo chiều hạ lãi suất trong năm 2024 sẽ giúp áp lực tỷ giá không còn là yếu tố quá rủi ro trong năm 2024.
Với các yếu tố trọng yếu tác động tới mặt bằng lãi suất cho vay, các chuyên gia KBSV cho rằng, chênh lệch kỳ hạn và độ trễ của tác động giảm lãi suất sẽ tiếp tục phát huy tác dụng, giúp lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Các khoản huy động với chi phí cao của ngân hàng hầu hết sẽ đáo hạn đầu năm 2024, giúp giảm chi phí vốn từ đó giảm lãi suất cho vay.
Tuy nhiên, với tình hình kinh tế khó khăn trong năm 2023 đã khiến nợ xấu của toàn hệ thống tăng quý thứ tư liên tiếp. Dự báo tình hình nợ xấu trong năm 2024 có thể áp lực do: Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực và bộ đệm dự phòng của các ngân hàng thu hẹp. Bên cạnh đó, kênh trái phiếu vẫn chưa phục hồi và vốn từ ngân hàng vẫn là dòng vốn dài hạn cho doanh nghiệp, trong khi áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong năm 2024 cao kỷ lục lên tới gần 258 nghìn tỷ đồng. Từ phân tích trên, các chuyên gia của KBSV dự báo: “Lãi suất cho vay khó có thể giảm sâu”.