Cụ thể, biểu lãi suất mới của Vietcombank tiếp tục điều chỉnh giảm 0,2 điểm % lãi suất ở hầu hết kỳ hạn so với biểu lãi suất trước đó.
Theo đó, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 – 2 tháng, giảm 0,2 điểm % xuống còn 2,4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng cũng giảm từ 2,9%/năm xuống 2,7%/năm. Lãi suất huy động 6 tháng và 9 tháng của Vietcombank giảm 0,2 điểm % xuống 3,7%/năm.
Với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, Vietcombank đồng loạt niêm yết ở mức 4,8%/năm, giảm 0,2 điểm % so với biểu lãi suất trước đó.
Thống kê cho thấy, chỉ trong vòng 2 tháng qua, Vietcombank đã có 5 lần điều chỉnh giảm lãi suất huy động, với mức giảm tổng cộng khoảng 1,2%.
Trong nhóm Big4, VietinBank và BIDV cũng thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến thêm 0,2% cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và đồng loạt niêm yết mức lãi suất là 5,3%/năm – tương ứng với lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại quầy.
Không chỉ nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, xu hướng giảm lãi suất tiếp tục diễn ra ở các ngân hàng thương mại. Nhiều ngân hàng thương mại cổ phần cũng đã đưa lãi suất huy động cao nhất về quanh mốc 5%/năm, ví như: Lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất tại ACB là 4,9%/năm, Sacombank là 5%/năm, SHB là 4,7%/năm, 5,8%/năm, VIB là 5,5%/năm…
Số liệu thống kê cho thấy, dù lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh, tuy nhiên, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng cao.
Số liệu thống kê vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy, tính đến hết quý III/2023, tổng tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Trong đó, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9/2023, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp 11 lần cùng kỳ năm 2022. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.
Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng tăng thêm 217.353 tỷ đồng, lên gần 6,232 triệu tỷ đồng vào tháng 9/2023. Mức tăng này cao gấp đôi cùng kỳ năm 2022. So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong bối cảnh thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu và vàng còn chứa đựng nhiều rủi ro, người dân vẫn lựa chọn ngân hàng để gửi tiền. Do đó, việc lãi suất huy động tiếp tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm cũng không quá nhiều tác động đến xu hướng này.
Cũng theo, giới chuyên môn, lãi suất huy động giảm tiếp sẽ là tiền đề để các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, qua đó kích cầu tăng trưởng tín dụng cuối năm và dịp Tết nguyên đán 2024.
Theo đó, các TCTD có dư nợ tín dụng đến nay đạt đến 80% chỉ tiêu tín dụng đã được thông báo thì sẽ được chủ động bổ sung hạn mức tăng thêm dựa trên cơ sở xếp hạng năm 2022, đồng thời ưu tiên thêm cho những TCTD tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ và hạ lãi suất cho vay xuống mức thấp trong thời gian vừa qua.
"Việc bổ sung hạn mức này là sự chủ động của NHNN mà các TCTD không cần thiết phải đề nghị hoặc xin bổ sung", NHNN cho biết.