Chia sẻ mới đây, ông Lê Quốc Kiên, nhà đầu tư bất động sản kì cựu tại Tp.HCM cho hay, nếu bỏ tiền vào chung cư nhà đầu tư cũng cần lưu ý 3 nhóm khác nhau.
Nhóm 1: đáp ứng tốt cho nhu cầu sử dụng cuối. Nhóm 2: để đầu tư - tích lũy. Nhóm 3: sử dụng trong tương lai.
Nhóm 1: Chung cư để có thể thuận tiện ở hoặc dễ dàng cho thuê sẽ có mức giá vừa túi tiền cho nhiều người có thể mua (khoảng 30-40 triệu đồng/m2 cho chung cư đã đưa vào sử dụng trên 5 năm, xấp xỉ 50 triệu đồng/m2 cho chung cư mới) và thuê (dưới 15 triệu một tháng). Đồng thời các chung cư này cũng cần nằm gần các khu vực tập trung đông công ty, nhà xưởng sản xuất kinh doanh.
Nhóm 2: Các chung cư cao cấp ở vị trí đắc địa có giá cao mang mục đích đầu tư và tích trữ tài sản nhiều hơn. Vì những người đã có điều kiện mua dạng bất động sản này thì thường cũng đã có nhà ở chỗ khác, nên họ mua với mục đích đầu tư thêm, làm của để dành rồi tranh thủ cho thuê. Tuy nhiên, vì giá trị cao thì giá cho thuê cũng cao theo, số lượng khách có khả năng thuê ít hơn nhóm đầu nên khả năng bị để trống nhiều hơn.
Nhóm 3: Chung cư có giá vừa phải nhưng lại nằm ở các khu vực chưa đông công ty hay nhà máy sản xuất kinh doanh cũng chỉ mang tính đầu tư hoặc để dành cho tương lai, chưa thuận tiện để ở nếu không làm việc ngay gần đây. Nếu cho thuê tạm giá cũng thấp và không dễ.
Ví dụ một dự án có hơn 40.000 căn hộ ở khu vực quận 9, Tp.HCM có tiện ích nội khu khá tốt, vị trí ngay sát khu công nghệ cao. Tuy nhiên, khu công nghệ cao quận 9 mới khai thác được 30% công suất cho tổng 2 giai đoạn 1&2 nên số lượng doanh nghiệp chưa đủ nhiều, còn nếu không làm việc ở khu công nghệ cao thì phải di chuyển quá xa để đến nơi ở, cũng không phù hợp để ở ngay. Do đó trong một vài năm tới, nguồn cầu đủ khả năng mua ở và thuê chưa đủ lấp đầy nguồn cung ở đây.
Đưa ra những điều cần thận trọng nếu nhà đầu tư bỏ tiền vào bất động sản ở giai đoạn này, ông Lê Quốc Kiên nhấn mạnh.
Với nhà dự án hình thành tương lai đang triển khai thì cần chú ý thật kỹ năng lực của chủ đầu tư và pháp lý dự án. Vì đây là thời điểm rất nhạy cảm, sức khỏe tài chính của chủ đầu tư nếu không ổn người mua sẽ dễ mất vốn. Đặc biệt trong năm nay nhiều chủ đầu tư vẫn phải vừa gồng gánh để tiếp tục phát triển dự án, vừa xử lý những tồn đọng trước đây như vướng mắc pháp lý, tiền đã huy động của khách hàng, nợ vay cũ, trái phiếu đến hạn,...
Với nhà dự án đã bàn giao vào ở, nên chầm chậm tìm hiểu kỹ về giá bán từ nhiều nguồn. Vì đây là thời điểm người bán tranh nhau giảm giá, nên đôi khi kỹ lại, chậm lại một bước có thể tiết kiệm được kha khá tiền. Ngoài ra, nên dành thêm nhiều thời gian để tìm hiểu kỹ hơn về môi trường sống, mức độ dân trí xem có phù hợp với mình không, chất lượng dự án sau khi đã đi vào bàn giao như thế nào.
Nhà trong dân cũng tương tự nhà dự án đã bàn giao, nhờ không bị áp lực thời gian sợ người khác tranh mua, nhà đầu tư nên tìm hiểu thật kỹ về giá nhà từ nhiều nguồn, pháp lý căn nhà (Quy hoạch, cấp phép xây dựng, thế chấp ngân hàng,...) cũng như môi trường sống, dân trí ở khu vực đó.
Xác định căn nhà như một tài sản chống trượt giá, tích lũy lâu dài, khó có thể tăng giá đột biến trong ngắn hạn 1-2 năm như trước đây, thậm chí có thể sẽ bị giảm giá thêm ở một số khu vực trong một số thời điểm nhất định. Nếu mua tài sản thì xác định phải giữ lâu dài, không dễ có thanh khoản ngắn hạn như trước đây.
Lãi vay xuống thấp nhưng hồ sơ tín dụng cũng được kiểm soát chặt chẽ hơn về định giá tài sản thế chấp, mục đích vay, thu nhập trả nợ và hồ sơ tín dụng của người đi vay. Do đó, nếu có nhu cầu vay thêm vốn ngân hàng để mua nhà, cần chuẩn bị hồ sơ thật kỹ trước, tránh trường hợp quyết định đặt cọc xong mới biết không đủ điều kiện vay số tiền như mong muốn.
Khi vay vốn ngân hàng, cần tính toán thật kỹ khả năng trả nợ hàng tháng, không nên tính tiền trả ngân hàng quá sát mức thu nhập hàng tháng, nên dự phòng sẵn trường hợp thu nhập bị sụt giảm đột xuất trong giai đoạn kinh tế khó khăn.