Định vị thị trường
Sau khi số liệu về lạm phát của Mỹ được công bố, chứng khoán Mỹ cũng như chứng khoán châu Á đều có sự điều chỉnh về mặt kỳ vọng. Chỉ số S&P 500 (-0,95%) đã kéo theo NIKKEI 225 (-0,35%), TWSE (-0,05%), SET (-0,69%), STI (-0,41%) đều giảm điểm nhẹ.
Với việc thị trường lao động Mỹ tích cực trong khi lạm phát vượt kỳ vọng, kịch bản Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) neo lãi suất cao trong khoảng thời gian lâu hơn đã được giới chuyên gia đưa ra trên các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, thực tế, sự chuẩn bị về mặt lý cũng đã phần nào được phản ứng vào những diễn biến hạ nhiệt gần đây của một số thị trường. Các chỉ số như KOSPI (+0,07%), SHCMP (+0,23%) đã quay đầu tăng điểm sau khi thông tin trên được công bố.
Thị trường Việt Nam cũng "suýt" chút nữa thành công trong việc đảo chiều tăng điểm cùng 2 thị trường kể trên. Kết phiên, VN-Index giảm điểm gần như không đáng kể và vẫn tiếp tục ở sát vùng đỉnh 19 tháng.
Chất xúc tác
Ngoài câu chuyện mang yếu tố tâm lý thị trường, một lý do quan trọng khiến dòng tiền lớn có sự thận trọng trong các phiên vừa qua là sự chờ đợi phản ứng của Nhà điều hành Việt Nam trước những vận động của thế giới.
Hoạt động bơm/rút đồng thời trên thị trường mở của Ngân hàng Nhà nước các phiên gần đây cho thấy sự theo sát trong việc điều hành tỷ giá cũng như lãi suất liên ngân hàng. Trong phiên hôm qua, có 4.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giữ ở mức 2,9%, trong khi 14.999,7 tỷ đồng tín phiếu đáo hạn. Tổng cộng, NHNN đã bơm ròng 8.486,44 tỷ đồng ra thị trường trong phiên hôm qua, đưa khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường giảm xuống mức 138.849,6 tỷ đồng, trên kênh cầm cố không còn khối lượng lưu hành.
Tuy nhiên, cũng cần quan sát những vận động từ chỉ số DXY, bởi ngay sau khi có số liệu CPI Mỹ và biên bản FOMC được công bố thì DXY đã bứt phá khỏi mốc 105 điểm. Tỷ giá tự do cũng đã vượt trên mốc 25.500 VND/USD.
Mức khớp lệnh giao dịch trên HOSE vẫn chưa thực sự trở lại với trạng thái sôi động khi có phiên thứ 4 liên tiếp ở dưới bình quân 20 phiên. Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài đã không tiếp tục hoạt động bán ròng, thay vào đó họ mua ròng 48 tỷ đồng trên HOSE. Thực tế, nếu loại đi thỏa thuận đột biến tại VPD (+153 tỷ đồng), khối ngoại vẫn bán ra, trong đó VHM (-246 tỷ đồng) là cổ phiếu bị rút tiền nhiều nhất.
Vận động thị trường
Hiệu ứng từ thế giới phản ánh vào sắc đỏ của thị trường trong phiên sáng nhưng không có bất kỳ một phản ứng thái quá nào xuất hiện. Sang đến phiên chiều, nhiều cổ phiếu còn triệt tiêu đi hết những áp lực, một số mã tăng giá mạnh như TCH (+5,9%), HHS (+5,7%), SKG (+5,2%).
Nhóm cổ phiếu ngân hàng thể sự cân bằng trong giao dịch và cũng có một số mã tăng giá như BID (+1,9%), EIB (+1,1%). Các mã VPB (0%), VIB (0%), TPB (0%), MBB (-0,2%), OCB (-0,3%), VCB (-0,5%) giao dịch lình xình quanh tham chiếu.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán dù không tăng mạnh nhưng các mã CTS (+2,1%), BSI (+1,7%), AGR (+1,2%), HCM (+1,1%), SSI (+0,5%) đã cho thấy sức đề kháng khá tốt.
Ở nhóm thép, HPG (+0,8%), HSG (+1,1%), NKG (+3,8%) đều đóng cửa trong sắc xanh. Được biết, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, HPG ước tính lãi sau thuế 2.800 tỷ đồng trong quý I/2024. Ngoài ra, theo Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long, HPG đang nghiên cứu làm đường ray đường sắt tốc độ cao với tốc độ dự kiến 850km/h.
Sự lo lắng về kịch bản thị trường giảm sâu đã phần nào được xoa dịu với kết quả giao dịch chung. VN-Index đóng cửa chỉ giảm 0,36 điểm xuống 1.258,2 điểm (-0,03%). Tổng giá trị giao dịch toàn sàn đạt 16.544 tỷ đồng.
Trên HNX và UPCoM, các mã chứng khoán, dầu khí, hóa chất, viễn thông như SHS (+1,5%), PVS (+2,9%), PVC (+3,8%), LAS (+2,9%), VGI (+3,4%) cũng có những nỗ lực hồi phục nhanh. Hai chỉ số đều đóng cửa trong sắc xanh. HNX-Index tăng 0,12% còn UPCoM-Index tăng 0,29%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.200 tỷ đồng.