Định vị thị trường
Hoạt động chốt lời nhanh được ghi nhận ở nhiều thị trường khu vực sau khi Ngân hàng Nhà nước (FED) công bố lộ trình hạ lãi suất. Nhiều chỉ số như KOSPI (-0,23%), KLSE (-0,18%), SHMCP (-0,95%), SET (-0,37%) đóng cửa với trạng thái giảm nhẹ trong khi chỉ số TWSE (+0,15%), NIKKEI 225 (+0,18%) vẫn giữ được sắc xanh.
Với phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp, VN-Index không chỉ duy trì được nỗ lực phủ nhận các bất ổn về yếu tố tâm lý mà còn thể hiện được sức mạnh chỉ số so với nhiều chỉ số khu vực. Thành tích tăng từ đầu năm của VN-Index đã được cải thiện lên 13,44%, nhỉnh hơn so với TWSE (+12,65%), KOSPI (+3,51%) và đứng sau NIKKEI 225 (+22,21%).
Chất xúc tác
Cập về hoạt động phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), trong chiều qua (ngày 21/3) đã có 15.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất hạ xuống mức 1,32%. Như vậy, khối lượng tín phiếu lưu hành trên thị trường tăng lên mức 129.998,8 tỷ đồng.
Thanh khoản của hệ thống vẫn cho thấy sự dồi dào với lãi suất liên ngân hàng ở kỳ hạn qua đêm đã giảm về 0,2%. Trong khi đó, tỷ giá tự do đã có sự hạ nhiệt trong sáng nay về quanh mức 25.500 VND/USD.
Những lo ngại về tác động của tín phiếu cũng đang không thực sự trở thành hiện thực khi HOSE có phiên thứ 2 liên tiếp duy trì khớp lệnh trên mức bình quân 20 phiên. So với phiên đáo hạn phái sinh ngày hôm qua, khớp lệnh của sàn còn tăng nhẹ 4% lên 1,181 tỷ đơn vị.
Lượng tiền ở nhóm VN30 và VNMID vẫn dồi dào, cùng cao hơn bình quân 20 phiên, trong đó VNMID đại diện cho rổ các cổ phiếu Midcap có phiên thứ 2 cao hơn ngưỡng này. Cổ phiếu GEX là mã có thanh khoản cao nhất của toàn thị trường chung cũng như cả rổ VNMID với giá trị giao dịch đạt gần 1.800 tỷ đồng.
Dù vậy, hoạt động rút ròng của khối ngoại chưa hề dừng lại với giá trị bán ròng tại HOSE đạt hơn 460 tỷ đồng với VNM (-220 tỷ đồng), HPG (-135 tỷ đồng), VHM (-116 tỷ đồng) là 3 cổ phiếu bị bán ra nhiều nhất.
Vận động thị trường
Với sự hoạt động bán ròng liên tục và còn có một phiên có hoạt động giao dịch đột biến, khá nhiều sự chú ý đã hướng đến các mã bị khối ngoại bán ra. Tuy nhiên, thực tế, VNM (-0,88%), VHM (-0,23%) giảm giá không đáng kể, trong khi HPG (+0,99%) còn được dòng tiền nội "cân lệnh".
Nhóm cổ phiếu được xem là "cứu tinh" của thị trường là ngân hàng vẫn có sự đồng hành ở nhiều mã như CTG (+2,3%), BID (+2,3%), VCB (+1,3%), MBB (+1,2%), MSB (+1%), EIB (+1,1%). Một số như BID, MBB, ACB, HDB thậm chí còn đạt được những mức giá kỷ lục thời đại trong phiên giao dịch.
VN30 (+0,2%) đã không gặp phải tình trạng "trả điểm" sau phiên đáo hạn phái sinh còn VN-Index tiếp tục vươn lên để đóng cửa cao nhất trong vòng 19 tháng trở lại đây. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 5,38 điểm lên 1.281,8 điểm (+0,42%).
Dòng tiền tại các cổ phiếu Midcap như đã đề cập ở trên vẫn rất sôi động. GEX (+6,4%) ngoài trạng thái thanh khoản cao nhất thị trường cũng là mã tăng giá mạnh. GEX đã tiếp sức cho KBC (+3,5%), HSG (+2,42%), PDR (+2,44%), HCM (+1,24%), DXG (+1,8%), FTS (+1,48%) có kết quả tích cực.
Tổng giá trị giao dịch toàn HOSE tiếp tục gây ấn tượng mạnh với giá trị đạt 34.734 tỷ đồng. Nếu loại đi các thỏa thuận gần 5.500 tỷ đồng (trong đó khối ngoại trao tay ACB hơn 4.000 tỷ đồng), giá trị giao dịch của sàn vẫn là rất ấn tượng.
Tính chung cả tuần, VN-Index đã tăng 1,43%, qua đó có chuỗi 2 tuần tăng điểm liên tiếp. Còn 2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index có thành tích trái chiều nhau trong tuần qua, lần lượt tăng 0,89% và giảm 0,44%.