Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa có tháng 11 tương đối tích cực. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng, chỉ số VN-Index đạt 1.094,13 điểm, tăng 6,41% so với tháng 10 và tăng 8,6% so với cuối năm 2022. Riêng chỉ số VN30 đạt 1.081,7 điểm, tăng 4% so với tháng 10 và tăng gần 8% so với cuối năm 2022.
Theo cùng điểm số, thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 11 ghi nhận sự điều chỉnh tích cực với khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt hơn 755,38 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch bình quân phiên 16.567 tỷ đồng, lần lượt tăng 21% về khối lượng và tăng 16% về giá trị giao dịch bình quân phiên so với tháng trước đó.
Về quy mô thị trường trên HOSE, tính đến hết ngày 30/11/2023, có 649 mã chứng khoán niêm yết và giao dịch trong đó gồm: 395 mã cổ phiếu, 03 mã chứng chỉ quỹ đóng, 14 mã chứng chỉ quỹ ETF và 237 mã chứng quyền có bảo đảm. Riêng trong tháng 11/2023, trên HOSE có 01 mã cổ phiếu (mã HTG của CTCP Dệt may Hòa Thọ) và 55 mã CW mới được niêm yết và giao dịch.
Đáng chú ý, đến hết tháng 11/2023, trên HOSE có 42 doanh nghiệp có vốn hóa hơn 1 tỷ USD, chiếm 78% vốn hoá toàn sàn HoSE, trong đó có 17 ngân hàng.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) hiện là cái tên duy nhất có vốn hóa đạt gần 20 tỷ USD (473,4 nghìn tỷ đồng). Theo sau tiếp tục là đại diện ngân hàng với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) với mức vốn hoá 221,5 nghìn tỷ đồng.
Những ngân hàng góp mặt trong danh sách gồm VPB (152 nghìn tỷ đồng), CTG (141 nghìn tỷ đồng), TCB (104 nghìn tỷ đồng), MBB (93 nghìn tỷ đồng), ACB (85 nghìn tỷ đồng), SSB (55 nghìn tỷ đồng),...
Hai đại diện của Vingroup là VHM và VIC sau quãng thời gian chứng khiến cổ phiếu giảm sâu, vốn hoá hiện đứng lần lượt ở vị trí thứ 3 (VHM, 180 nghìn tỷ đồng) và vị trí thứ 5 (VIC, 159 nghìn tỷ đồng).
Một số cái tên top đầu vốn hoá còn có GAS (176 nghìn tỷ đồng), HPG (154 nghìn tỷ đồng), VNM (141 nghìn tỷ đồng), FPT (117 nghìn tỷ đồng), MSN (87 nghìn tỷ đồng),...