Định vị thị trường
Xét về chuyển động, thị trường Việt Nam đang tiếp tục lệch pha giao dịch với khu vực. Các chỉ số châu Á đều tiếp tục hoạt động điều chỉnh sau đợt kéo tăng cuối năm 2023: TWSE (-0,06%), KOSPI (-0,78%), NIKKEI 225 (-0,53%) đều đang hạ độ cao.
Trong khi đó, VN-Index có phiên tăng điểm thứ năm liên tiếp và thậm chí các cổ phiếu lớn phải vào vai "tội đồ" để ghìm lại đà tăng của chỉ số.
Chất xúc tác
Sau giai đoạn đột biến về lãi suất liên ngân hàng cuối năm 2023, biến động của kỳ hạn qua đêm trở lại mặt bằng thấp, xuống còn khoảng 0,5%. Điều này cũng cho thấy, những chuyển động của dòng tiền chỉ mang tính thời điểm hơn là những dấu hiệu bất ổn về thanh khoản của hệ thống.
Phần nào đó, nhà đầu tư đang giữ hy vọng những vận động tích cực hiện tại của dòng tiền trên thị trường chứng khoán đến từ những động thái của hệ thống ngân hàng vừa qua.
Theo thống kê, HOSE đã có 3 phiên liên tiếp đạt trên mức bình quân 20 phiên, điều hoàn đã không xảy ra trong vòng 1 tháng trở lại đây. Phiên hôm nay, giá trị giao dịch của sàn thậm chí còn vượt trên mốc 1 tỷ USD trong khi phiên gần nhất có trạng thái tương tự là vào ngày 7/12/2023.
Khả năng thị trường có thể duy trì thường xuyên các phiên giao dịch trên mức bình quân 20 phiên vẫn còn là ẩn số. Nhưng về mặt hiệu ứng tâm lý, đây là bằng chứng mà nhà đầu tư đang tìm kiếm để tham gia vào thị trường.
Xét về cơ cấu giao dịch 2 chiều, nhà đầu tư nội chiếm tỷ trọng chi phối tới hơn 95%. Khối ngoại chỉ tham gia khoảng 4,7% giao dịch và cũng giảm quy mô bán ròng trên sàn xuống còn khoảng 20 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Cổ phiếu ngân hàng đã có phiên thứ 3 liên tiếp đóng vai trò trụ cột của thị trường. Các mã MBB (+5%), CTG (+3,6%), MSB (+3,1%), TPB (+2,6%) đã thể hiện rất ấn tượng, trong đó MBB và CTG thậm chí đã có thời điểm tăng trần.
Nếu như không có lực bán chốt lời nhẹ cuối phiên thì các mã này đều sẽ có trạng thái tốt hơn giá đóng cửa. Ngoài nhóm ngân hàng, các cổ phiếu chứng khoán và thép cũng có những chuyển động khá tích cực. Đã có thời điểm, bộ 3 Bank- Chứng- Thép tăng giá đồng đều làm gợi nhớ tới giai đoạn hoàng kim của nhóm này vào năm 2021.
Dù vậy, thị trường đã có sự ghìm lại để không trở nên quá nóng. 3 cổ phiếu SSI (+1,97%), HPG (-0,18%), VND (-0,22%) đều đạt quy mô giao dịch trên 1.000 tỷ đồng nhưng 2/3 mã lại không có bước đột phá mới về giá, còn SSI cũng chưa thể hiện được sự quyết liệt trong việc "vá gap" của các phiên tháng 9/2023.
Dòng tiền vào mạnh nhưng còn co cụm lại ở một số cổ phiếu nhóm Bank- Chứng - Thép nên chưa thể lan tỏa rộng sang các nhóm ngành khác. Trạng thái tăng giảm đan xen xuất hiện ở các cổ phiếu phân bón, hóa chất, bất động sản, đầu tư công khiến độ rộng của HOSE chưa có sự lấn lướt của sắc xanh: có 51% mã tăng giá so với 35% mã giảm.
VN-Index đóng cửa tăng 6,55 điểm lên 1.150,72 điểm (+0,57%). Tổng giá trị giao dịch sàn đạt 25.296 tỷ đồng, tương đương 1.181,35 triệu đơn vị.
HNX-Index và UPCoM-Index trong khi đó vẫn còn chưa thực sự bắt nhịp được VN-Index. 2 chỉ số này diễn biến trái chiều nhau trong biên độ giao dịch vẫn còn khá hẹp, tăng 0,4% và giảm 0,09%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 3.000 tỷ đồng.