Định vị thị trường
Phiên giảm sâu hôm qua của chứng khoán Trung Quốc đã không kích hoạt tâm lý tháo chạy của nhà đầu tư tại châu Á. Ngay chính các chỉ số chứng khoán của Trung Quốc như SHCMP (+0,43%), HSI (+0,65%), CSI 300 (+1,41%) cũng đã có sự hồi phục ngay.
Các chỉ số như KOSPI (+0,17%), IDX (+0,56%), SET (+0,62%) trong khi đó đều tăng điểm lại khá tích cực. Những diễn biến này ít nhất cũng giúp cho nhà đầu tư trong nước bớt phải lo lắng trong phiên đáo hạn phái sinh tháng 1/2024.
Chất xúc tác
Khối lượng mở của HĐTL VN30F2401 sau phiên hôm qua đã thu hẹp xuống còn 27.260 đơn vị trong khi kỳ hạn tháng 2 đã được mở rộng lên 29.524 cho thấy nhà đầu tư đã chuyển vị thế sang tháng sau. Nếu như chênh lệch của kỳ hạn tháng 1 đã được thu hẹp thì chênh lệch của kỳ hạn tháng sau đang là gần 3 điểm phản ánh kỳ vọng đang khá tích cực.
Chốt phiên đáo hạn phái sinh, VN30 đóng cửa tại 1.173,91 điểm trong khi VN30F2401 chốt tại 1.172 điểm.
Trong khi đó, trên thị trường cơ sở, quy mô khớp lệnh lại sụt giảm dưới mức bình quân 20 phiên, đạt 596,22 triệu đơn vị. So với phiên hôm qua, khớp lệnh đã tạm hụt 18% với đóng góp của nhà đầu tư nội vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo trên HOSE (93%).
Còn nhà đầu tư ngoại chiếm tỷ trọng 7,43% giao dịch 2 chiều. Các giao dịch chiều mua vẫn có sự nhỉnh hơn với khi họ tiếp tục mua ròng phiên thứ 6 với giá trị +74,5 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Cho đến trước phiên chiều, VN-Index chỉ giao dịch trên tham chiếu. Tuy nhiên, bước sang phiên chiều, các cổ phiếu lớn như VHM (+3,1%), MWG (+2,1%) đã có lực kéo mạnh hơn trong khi các cổ phiếu dẫn sóng thị trường trong tuần là Ngân hàng như BID (+1,4%), CTG (+1,1%), TCB (+1%), VPB (+1%) cũng góp công lớn để giúp chỉ số nới rộng đà tăng.
VN-Index chốt phiên với mức tăng 3,61 điểm lên 1.166,14 điểm (+0,31%) đồng thời là mức đóng cửa cao nhất trong vòng 4 tháng trở lại đây. Tổng giá trị giao dịch của sàn đạt 521,69 triệu đơn vị, tương đương 11.289 tỷ đồng.
Ở nhóm Midcap, các cổ phiếu Bất động sản đã có hiện tượng "nhấp nhổm" tăng với các trường hợp của HBC (+6,9%), NLG (+5,2%), KDH (+3,8%), CKG (+3,7%) theo sau đà dẫn dắt của VHM.
Độ rộng của HOSE ghi nhận sắc xanh đạt gần 50% mã tăng giá so với 29% mã giảm giá. Xét về xu hướng ngắn hạn, số lượng các mã đang ở trên MA20 đang chiếm tỷ trọng 53% của toàn sàn.
Nhìn chung, VN-Index đã có sự thể hiện khá tốt trong kỳ đáo hạn phái sinh tháng 1/2024. Nhiệm vụ của thị trường trong các phiên tiếp theo sẽ cần phải duy trì được động lượng tăng và khôi phục thanh khoản.
Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index đóng cửa phiên chỉ với trạng thái tăng nhẹ, lần lượt 0,19% và 0,23%. Thanh khoản cũng chịu sự co hẹp lại với tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.500 tỷ đồng.