Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), nhà đầu tư trong nước đã mở mới 172.695 tài khoản chứng khoán trong tháng 9. Con số này giảm hơn 15.000 tài khoản so với tháng trước nhưng vẫn là mức cao thứ 2 trong vòng hơn một năm trở lại đây. Như vậy, số lượng tài khoản mở mới của nhà đầu tư nội đã đứt chuỗi 4 tháng liên tiếp tăng so với tháng trước.
Luỹ kế 9 tháng, nhà đầu tư trong nước đã mở mới 924.205 tài khoản chứng khoán, trong đó cá nhân vẫn là lực lượng nòng cốt khi mở mới đến 923.211 tài khoản từ đầu năm. Riêng tháng 9, nhà đầu tư cá nhân mở mới 172.605 tài khoản chứng khoán trong khi các tổ chức mở mới 90 tài khoản.
Tính đến cuối tháng 9, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,76 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 8% dân số.
Tuy nhiên, con số này chưa thực sự phản ánh chính xác tỷ lệ người dân tham gia vào chứng khoán bởi một nhà đầu tư có thể có nhiều tài khoản tại nhiều công ty chứng khoán.
Số tài khoản mở mới ở mức cao trong bối cảnh giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong tháng 9 đạt hơn 21.400 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 18 tháng. Kể từ thời điểm chạm đáy dài hạn vào tháng 3 năm nay, thanh khoản thị trường đã có 6 tháng liên tiếp tăng trưởng so với tháng liền trước. Tuy nhiên, từ cuối tháng 9 đến nay, thanh khoản thị trường suy giảm khi chỉ số VN-Index biến động trong biên động rộng.
Tiền nội hụt hơi và khối ngoại cũng tiếp tục gây sức ép lớn lên thị trường. Trong tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng gần 4.500 đồng trên HoSE, cao nhất từ đầu năm. Đây là tháng bán ròng thứ 6 liên tiếp của khối ngoại sau giai đoạn mua vào “ồ ạt” kéo dài cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Luỹ kế từ đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng tổng cộng 8.300 tỷ đồng trên HoSE.
Trong tháng 9 vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài đã mở mới 253 tài khoản, giảm so với con số 216 tài khoản của tháng trước đó. Về cơ cấu, nhà đầu tư cá nhân mở mới 225 tài khoản, tổ chức mở mới 28 tài khoản trong tháng vừa qua. Thời điểm cuối tháng 9, nhà đầu tư nước ngoài có tổng cộng 42.711 tài khoản.
Hai rủi ro tác động tiêu cực đến thị trường
Trong báo cáo phát hành thời điểm cuối tháng 9, VN-Index giảm 5,8% trong tháng 9, sau nhiều tháng tăng trưởng mạnh mẽ, Công ty chứng khoán VNDIRECT cho rằng, định giá thị trường đã dần trở nên hấp dẫn hơn sau nhịp chỉnh.
Bên cạnh đó, xu hướng cải thiện về kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong 2 quý cuối năm cũng sẽ giúp mặt bằng định giá của thị trường trở nên hấp dẫn hơn. Đội ngũ phân tích dự báo P/E forward 2023 của chỉ số VN-Index ở mức 12-12,5 lần, là mức hấp dẫn trong môi trường lãi suất thấp hiện nay và hoàn toàn đáng cân nhắc để giải ngân cho mục tiêu trung và dài hạn.
Theo VNDIRECT, thị trường còn tiềm tàng nhiều cơ hội khi bức tranh lợi nhuận trong quý III dự kiến sẽ tích cực hơn cũng như mặt bằng định giá thị trường đã về vùng hấp dẫn hơn.
"Nhà đầu tư có thể nắm bắt những cơ hội xuất hiện từ các xu hướng đáng chú ý sau: (1) Đầu tư công vẫn là mũi nhọn tăng trưởng kinh tế, (2) Triển vọng xuất nhập khẩu đang dần phục hồi, (3) Theo sau sự phục hồi của lĩnh vực sản xuất, bán lẻ sẽ phục hồi nhờ sức mua cải thiện; (4) Dòng vốn FDI duy trì tích cực cải thiện triển vọng nhóm bất động sản khu công nghiệp", báo cáo chiến lược nêu rõ.
Song song, một số rủi ro của thị trường chứng khoán tập trung bởi 2 yếu tố: (1) Áp lực tỷ giá nếu tiếp tục gia tăng sẽ gây sức ép lên chính sách tiền tệ tại Việt Nam; (2) Rủi ro giảm phát từ Trung Quốc và đặc biệt từ nhóm ngành bất động sản có thể làm ảnh hưởng tới tâm lý nhà đầu tư về nhóm ngành này.