"Đáy ngày 1/11 có thể chưa phải là đáy của đợt điều chỉnh"
Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam
Thị trường có tuần tăng trưởng thứ 2 liên tiếp, đồng thời xuất hiện tín hiệu mua trong ngắn hạn khi vượt ngưỡng 1.100 điểm kèm theo khối lượng gia tăng. Đây là tín hiệu quan trọng về sự phục hồi.
Cần lưu ý, thị trường đã có một số phiên hồi phục về thanh khoản nhưng dòng tiền vẫn thận trọng với sự phục hồi và khó quay lại ngay lập tức mà sẽ chờ xu hướng tăng được xác nhận trước khi chảy mạnh vào thị trường. Thanh khoản có thể tăng mạnh trong một số phiên nhưng sẽ khó duy trì trong nhiều phiên liên tiếp.
Hiện xu hướng điều chỉnh trong trung hạn đang được xác nhận khi chỉ số VN-Index điều chỉnh dưới đường trung bình 100 và 200 ngày. Do đó, dù có 2 tuần tăng trưởng liên tiếp nhưng rủi ro điều chỉnh vẫn còn khá cao. Đặc biệt, trong 2 phiên cuối tuần trước thị trường có sự điều chỉnh với khối lượng gia tăng điều này hàm ý về áp lực chốt lời. Vì thế, khả năng đáy ngày 1/11 có thể chưa phải là đáy của đợt điều chỉnh lần này.
Cũng trong tuần qua, EVN vừa có quyết định về việc điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân tăng thêm 4,5% từ ngày 9/11. Giá điện tăng sẽ làm cho chi phí của toàn bộ nền kinh tế giá tăng. Tuy nhiên, cơ chế phản ánh phần chi phí này vào giá cả sẽ mất thời gian và từ từ.
Vì thế trong năm 2023, có thể lạm phát sẽ không chịu ảnh hưởng nhiều từ sự gia tăng trong giá điện. Tác động chủ yếu sẽ nằm ở năm 2024. Với những chính sách hiện tại thì chính phủ có thể tiếp tục giữ lạm phát ở mức mục tiêu 4-4,5% trong năm 2024.
Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ mở rộng như hiện tại để hỗ trợ sự phục hồi của nền kinh tế.
"Tiền mới chưa xuất hiện, các phiên thanh khoản cao mang yếu tố chốt lời"
Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC
Trước tiên cá nhân tôi thấy sự phục hồi của thị trường trong 2-3 tuần sau một xu hướng giảm dài là hết sức bình thường. Trong quá khứ cũng đã có nhiều cú hồi như vậy và để khẳng định thị trường đã chính thức tạo đáy trung hạn hay chưa thì cần quan sát thêm.
Bối cảnh tuần mới cho thấy sự trung tính, do đó khả năng thị trường sẽ giằng co. Trong nước chưa xuất hiện yếu tố đột biến gì nên thị trường sẽ chịu tác động lớn từ thị trường thế giới. Hỗ trợ quan trọng 1.080 điểm, kháng cự quan trọng 1.150 điểm nhưng trạng thái thị trường vẫn mơ hồ.
Tôi không lạc quan và cho rằng nếu thế giới giảm trở lại, khả năng cao Việt Nam cũng sẽ giảm trở lại. Thủng vùng 1.080 thì xác suất sẽ test lại hoặc thủng đáy 1.020-1.030. Còn nếu qua 1.150 đó là điểm xác nhận xu hướng tăng mới trung hạn. Tất nhiên với những tin tức đầu tuần mới, khả năng thị trường vẫn diễn biến trong biên độ rộng này trước khi có cập nhật yếu tố mới.
Có một trạng thái 2-3 tháng nay có thể quan sát dễ dàng là thanh khoản thường thấp trong những phiên tăng và cao hơn trong những phiên bán. Thanh khoản cải thiện khi tâm lý tốt hơn và chấp nhận rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, theo tôi, tiền mới chưa xuất hiện hai phiên thanh khoản trên 20.000 tỷ đồng là 2 phiên bán chốt lời.
Dù lãi suất đang thấp nhưng không phải cây đũa thần với chứng khoán. Sóng tăng 2016-2018 vẫn đến khi lãi suất trong nước và thế giới không hề hạ. Khi đó vĩ mô thế giới và trong nước đều rất ổn, chúng ta thuận chiều chính sách tiền tệ với thế giới và chứng khoán thế giới tăng tốt.
Lãi suất thấp hậu Covid giúp chứng khoán tăng mạnh cũng nhờ đó là xu hướng toàn cầu.
Hiện tại chính sách tiền tệ chúng ta nới lỏng nhưng đang đi ngược chiều. Với quốc gia có thể nói là quy mô nhỏ có độ mở rất lớn với bên ngoài, sự phục hồi của nền kinh tế, thị trường chứng khoán sẽ chịu ảnh hưởng lớn bởi diễn biến của chứng khoán thế giới. Do đó, lãi suất khi không còn nhiều dư địa như hiện tại không ảnh hưởng lớn.
"Chưa xác định xu hướng, thị trường vẫn chỉ đang trong nhịp hồi phục"
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường VNDIRECT
Thị trường vừa trải qua một nhịp phục hồi tương đối mạnh và gắt, do đó, có thể tiếp tục đối mặt với áp lực chốt lời ngắn hạn trong những phiên đầu tuần tới. Vì vậy, nhà đầu tư ngắn hạn nên hạn chế tâm lý “Fomo” mua đuổi khi cổ phiếu được “kéo xanh mạnh” trong phiên.
Thay vào đó, nhà đầu tư nên chờ đợi các nhịp chỉnh để có thể xem xét mua vào cổ phiếu. Về xu hướng thị trường xa hơn từ nay tới cuối tháng 11, tôi cho rằng thị trường vẫn sẽ có nhiều thông tin hỗ trợ kèm với dòng tiền cải thiện.
Cụ thể, tỷ giá trong nước liên tục hạ nhiệt trong những ngày gần đây sẽ tác động tâm lý tích cực tới nhà đầu tư. Đồng thời, tỷ giá hạ nhiệt sẽ giúp chính sách tiền tệ được “dễ thở hơn” trong những tháng cuối năm, qua đó tạo điều kiện để dòng tiền đầu cơ quay trở lại thị trường cổ phiếu.
Cuối tháng 11, thị trường sẽ hướng sự chú ý tới Nghị trường Quốc hội với kỳ vọng 3 dự luật (sửa đổi) liên quan tới thị trường bất động sản được thông qua, bao gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Nếu các dự luật (sửa đổi) này được thông qua sẽ là cú hích đối với triển vọng của nhóm doanh nghiệp Bất động sản.
Trong bối cảnh đang có nhiều thông tin hỗ trợ, tôi kỳ vọng dòng tiền thông minh sẽ vẫn duy trì vị thế trên thị trường cổ phiếu và đà phục hồi có thể được duy trì. Do đó, nhà đầu tư có thể tận dụng những nhịp điều chỉnh trong quá trình đi lên để mua vào cổ phiếu.
Tuy nhiên, nhà đầu tư lưu ý đây mới chỉ là nhịp phục hồi, chưa xác nhận một xu hướng tăng giá bền vững, do đó, nên duy trì tỷ lệ cổ phiếu ở mức hợp lý khoảng 50-60% danh mục và hạn chế tối đa việc sử dụng đòn bẩy để quản trị rủi ro danh mục đầu tư.