Rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu
Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung điểm 3 khoản 27 Điều 1 Nghị định số 95/2021/NĐ-CP về thời gian điều hành giá xăng dầu.
Theo đó, Nghị định rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày. Cụ thể, thay vì điều hành giá xăng dầu vào các ngày mùng 1, ngày 11 và ngày 21 hàng tháng, theo quy định mới thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Năm hàng tuần.
Trường hợp thời gian điều hành giá trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên Đán thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng vào ngày cuối cùng của năm Âm lịch (29 hoặc 30 Tết Nguyên Đán), việc điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu thứ Năm là ngày mùng 1, mùng 2 hoặc mùng 3 Tết, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày mùng 4 Tết.
Trường hợp thời gian điều hành giá trùng với ngày nghỉ lễ theo quy định thì được thực hiện như sau: Nếu ngày thứ Năm trùng với ngày đầu tiên dịp nghỉ lễ, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày thứ Tư liền kề trước đó. Nếu ngày thứ Năm trùng vào các ngày nghỉ lễ còn lại, thời gian điều hành giá xăng dầu được thực hiện vào ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ.
Trường hợp giá các mặt hàng xăng dầu có biến động bất thường, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, Bộ Công Thương có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định thời gian điều hành giá xăng dầu cho phù hợp.
Công thức tính giá cơ sở mới
Theo Nghị định, giá cơ sở xăng dầu được xác định bằng (=) giá xăng dầu từ nguồn nhập khẩu nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn nhập khẩu cộng (+) giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước nhân với (x) tỷ trọng (%) sản lượng xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước.
Cùng với đó, giá cơ sở xăng sinh học được xác định bằng (=) tỷ lệ phần trăm thể tích xăng không chì (%) nhân (x) {(giá xăng thế giới cộng (+) chi phí đưa xăng từ nước ngoài về cảng Việt Nam cộng (+) chi phí về thuế nhập khẩu xăng) nhân (x) tỷ trọng sản lượng xăng nhập khẩu cộng (+) (giá xăng thế giới cộng (+) premium cộng (+) chi phí đưa xăng từ nhà máy lọc dầu trong nước đến cảng (nếu có)) nhân (x) tỷ trọng sản lượng xăng từ nguồn sản xuất trong nước)} cộng (+) tỷ lệ phần trăm thể tích Etanol nhiên liệu (%) nhân (x) giá Etanol nhiên liệu cộng (+) chi phí kinh doanh định mức cộng (+) mức trích lập Quỹ bình ổn giá cộng (+) lợi nhuận định mức cộng (+) các khoản chi phí về thuế, phí và các khoản trích nộp khác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Đáng chú ý, Nghị định mới điều chỉnh thời gian rà soát, công bố chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam, chi phí đưa xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước về cảng để tính giá xăng dầu từ nguồn sản xuất trong nước từ 6 tháng xuống 3 tháng.
Nghị định mới cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy xăng dầu từ tối đa ba nguồn. Quy định này nhằm tạo cạnh tranh về chiết khấu xăng dầu trên thị trường, đồng thời tăng tính chủ động cho các đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc tạo nguồn, cung ứng xăng dầu.
Nghị định cũng sửa đổi một số quy định về trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh, quỹ bình ổn,...
Cụ thể, về khâu trung gian trong kinh doanh xăng dầu, Nghị định mới này bãi bỏ loại hình tổng đại lý bán lẻ xăng dầu nhằm giảm bớt khâu trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu.
Về quy định điều kiện kho chứa khi cấp Giấy phép thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu, Nghị định cũng bổ sung các quy định nhằm tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đối với các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Đồng thời phân cấp cho Sở Công Thương địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát việc tuân thủ quy định của thương nhân trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định về các trường hợp thu hồi giấy phép kinh doanh xăng dầu của thương nhân nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật, tránh việc làm đứt gẫy đột ngột nguồn cung xăng dầu, đặc biệt trong những thời điểm nguồn cung xăng dầu trong nước bị ảnh hưởng, khan hiếm.
Mặt khác, Nghị định bổ sung các quy định, biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ hơn đối với Quỹ Bình ổn giá xăng dầu; sửa đổi, bổ sung một số quy định nhằm giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập còn tồn đọng cho phù hợp hơn với tình hình thực tiễn.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, nghiên cứu, xây dựng một Nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu trình Chính phủ trong thời gian tới.