Định vị thị trường
Phần lớn các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên cuối tuần với KOSPI (-1,91%), TWSE (-1,28%) dẫn đầu về đà giảm trong khi NIKKEI 225 (-0,26%), STI (-0,36%) có biên độ hẹp hơn. Tâm lý của nhà đầu tư châu Á bị ảnh hưởng nhẹ từ thông tin số liệu lạm phát tại Mỹ nóng hơn so với kỳ vọng của giới đầu tư.
Đây cũng có thể là một phần nguyên nhân khiến cho VN-Index trong phần lớn thời gian giao dịch hôm nay (15/3) ở dưới mức tham chiếu. Chỉ số đã bật lên giai đoạn cuối phiên nhưng nhiều khả năng chỉ là những phản ứng chuẩn bị hoạt động cơ cấu của ETF ngoại.
Chất xúc tác
Kết quả cơ cấu danh mục 2 quỹ ETFs VanEck và FTSE đã được công bố từ trước với EVF và FTS được thêm mới trong khi không có cổ phiếu bị loại ra. Ngoài 2 mã này, PDR, VRE, SHB cũng là những cổ phiếu được mua bổ sung khá nhiều. Còn ở chiều ngược lại, HPG, SSI, VIX sẽ chịu lực bán ra nhiều nhất.
Thực tế, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.300 tỷ đồng trên HOSE, mức lớn nhất từ đầu năm 2024. Các mã HPG (-198 tỷ đồng), VHM (-157 tỷ đồng), VND (-118 tỷ đồng), VNM (-94 tỷ đồng), VIC (-93 tỷ đồng), VCB (-92 tỷ đồng) đứng đầu ở chiều bán ra còn FTS (+138 tỷ đồng) được mua vào nhiều nhất.
Tổng tỷ trọng giao dịch 2 chiều khối ngoại dù vậy lại không thay đổi quá nhiều, đạt 11,84%. Điều này cho thấy, dòng tiền nội không hề bị giảm mất ảnh hưởng trong ngày giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài. Mức khớp lệnh của VN-Index duy trì trên mức bình quân 20 phiên.
Thói quen giao dịch của nhà đầu tư vẫn đang hướng đến các cổ phiếu Midcap và Penny thể hiện qua thanh khoản của VNMID và VNSML cùng có phiên thứ 3 trên mức bình quân 20 phiên. Trái ngược lại, VN30 đã có phiên thứ 5 liên tiếp ở dưới ngưỡng bình quân 20 phiên.
Vận động thị trường
VCB (-1,05%), VIC (-3,37%), VHM (-1,17%) trước áp lực mạnh của khối ngoại đã phải trở thành "tội đồ" của chỉ số. Tuy nhiên, ảnh hưởng giảm đã được khá nhiều cổ phiếu lớn khác triệt tiêu bằng nỗ lực bật lên cuối phiên với GVR (+5,5%), VIB (+3,7%), GAS (+1,6%), MBB (+1,5%), BID (+1%), CTG (+0,9%) đồng loạt tham gia hỗ trợ.
Nhịp bật lên này có thể chỉ là sự kiện "nhiễu" bởi các cổ phiếu lớn kể trên không đi kèm thanh khoản đột phá. Điều này cũng được phản ánh vào trạng thái hụt thanh khoản của VN30 đã được đề cập ở trên.
Với thị trường chung, sự quan tâm của dòng tiền dành cho nhóm Midcap và Penny vẫn giúp cho nhiều cổ phiếu tránh được ảnh hưởng của VN30. Nhóm Bất động sản ghi nhận những tín hiệu đáng chú ý nhất với HDC (+6,9%), DIG (+3,64%), DXG (+1,1%), NTL (+2,7%), NBB (+2,7%) đi ngược thị trường. Riêng DIG còn được khớp lệnh tới gần 2.000 tỷ đồng.
Cùng với đó là một số cổ phiếu Đầu tư công và Vật liệu xây dựng như ELC (+2,8%), HT1 (+1,5%), DHA (+1,1%), LCG (+1,1%), TCH (+1,53%). Còn VTP vẫn tăng 5,02%, qua đó nâng thành tích tăng giá kể từ phiên chào sàn HOSE lên gần 24%.
VN-Index giảm nhẹ 0,48 điểm xuống 1.263,78 điểm qua đó đã tăng 1,32% trong cả tuần. Điều này cũng giúp phủ nhận nỗi lo về điều chỉnh sau khi tạm đánh mất chuỗi tăng ở tuần trước. Thay vì chịu chi phối của vận động nhóm Ngân hàng, thị trường đã luân chuyển một cách khá ấn tượng trong tuần vừa qua.
Với nhiều cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ trên HNX và UPCoM, kết quả giao dịch cả tuần cũng tương đối khả quan. HNX-Index tăng 1,36% trong tuần này còn UPCoM-Index có tuần tăng thứ 9 liên tiếp với thành tích +0,13%.