Định vị thị trường
Bối cảnh tích cực của chứng khoán khu vực châu Á lại ghi nhận một phiên vươn lên mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Hàn Quốc với KOSPI (+0,94%) chạm mức cao nhất trong vòng 23 tháng còn TWSE (+0,05%) của Đài Loan có lực cân đối khá tốt trước áp lực chốt lời tại vùng đỉnh thời đại. Chỉ số NIKKEI 225 (+0,46%) đang cố gắng lấy lại xu hướng tăng ngắn hạn sau khi gặp phải áp lực chốt ở vùng đỉnh thời đại.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc với các chỉ số SZI (-0,18%), SHMCP (-0,18%) lại cần sự tích lũy để lấy đà chinh phục đường xu hướng dài hạn.
Tâm lý chung từ khu vực giúp cho nhà đầu tư trong nước không phải lo lắng về những câu chuyện bên ngoài. Thay vào đó, ưu tiên của dòng tiền nội cần giải quyết được những rung lắc liên tục xảy ra ở vùng đỉnh 18 tháng.
Chất xúc tác
Mức khớp lệnh của HOSE quay trở lại trên mức bình quân 20 phiên sau 2 phiên sụt dưới mức này, cho thấy thị trường vẫn đang rất sôi động. Dù vậy, cũng cần đi sâu hơn về cơ cấu dòng tiền khi giữa các nhóm cổ phiếu có sự phân hóa.
Rổ VN30 vẫn tiếp tục hụt dưới mức bình quân 20 phiên trong khi đó VNMID và VNSML vẫn tiếp vượt trên bình quân 20 phiên gần nhất. Như vậy, dòng tiền vẫn đang có chiều hướng rút bớt khỏi các cổ phiếu lớn để chuyển sang các cổ phiếu Midcap và Penny.
Dù sao, thị trường vẫn đang đạt được sự sôi động rất cần có để duy trì sự quan tâm của nhà đầu tư nói chung khi câu chuyện về phát hành tín phiếu vẫn gây ra khá nhiều lo lắng. Theo thống kê, chiều qua (13/3), đã có 14.999,7 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất 1,4% qua đó nâng khối lượng tín phiếu Ngân hàng Nhà nước lưu hành trên thị trường tăng lên mức 44.999,2 tỷ đồng.
Phản ứng của lãi suất trên thị trường 2 vẫn đang hạ nhiệt sau khi có một nhịp bật tăng mạnh. Theo Refinitiv Eikon, kỳ hạn qua đêm được giao dịch tại 1,3%, trong khi 2 kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần là 1,45% và 1,68%.
Tỷ trọng của nhà đầu tư nội chiếm hơn 90% giao dịch 2 chiều trên HOSE trong khi khối ngoại tham gia ở mức 9,84%. Dù sự tham gia của khối ngoại là không đột biến nhưng giá trị bán ròng của khối này lại cao nhất trong vòng 1 tháng trở lại đây, đạt 910 tỷ đồng.
Theo thống kê, các mã lớn như VHM (-165 tỷ đồng), VNM (-141 tỷ đồng) bị bán ra nhiều nhất kế đến là FRT (-104 tỷ đồng), HPG (-63,8%).
Vận động thị trường
2 điểm nhấn đáng chú ý nhất là giao dịch của khối ngoại và sự luân chuyển của dòng tiền từ cổ phiếu lớn sang nhóm Midcap và Penny tạo ra nhiều cảm xúc lẫn lộn trên thị trường.
Sắc xanh chiếm 34,8% trong khi sắc đỏ phủ 52,71% số mã. Các cổ phiếu tăng tốt nhất nằm tại nhóm chứng khoán, khu công nghiệp, dầu khí, "họ Viettel" như VIX (+3,48%), ORS (+2,23%), KBC (+3,19%), IJC (+6,77%), GIL (+4,91%), PVT (+6,85%), PVD (+4,94%), VTP (+6,92%).
Tuy nhiên, hiệu ứng nhóm ngành rõ ràng đã yếu hơn khiến cho sắc xanh trên toàn HOSE trở nên lép vế. Sự ảnh hưởng của VN30 thực tế vẫn tác động vào việc ra quyết định của nhà đầu tư.
Theo thống kê, VN30 giảm 0,94% với 22/30 mã giảm giá. Các mã lớn như MWG (-2,7%), MSN (-2,5%), CTG (-2%), BCM (-1,9%), BID (-1,7%), MBB(-1,7%), VIB (-1,6%), HPG (-1,5%), SAB (-1,5%), ACB (-1,4%), TCB (-1,4%) giảm quanh 2% với nhiều cổ phiếu gân hàng ghi nhận sắc đỏ.
Hiện lượng cổ phiếu ngân hàng còn duy trì được xu hướng tăng ngắn hạn trên HOSE chỉ còn lại TCB và VCB trong khi VN-Index vẫn đang trong xu hướng tăng ngắn hạn sau những rung lắc vừa qua.
Chốt phiên, VN-Index giảm 6,25 điểm 1.264,26 điểm (-0,49%). Thanh khoản toàn sàn đạt 27.961 tỷ đồng, tương đồng 1,057 tỷ đơn vị.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index chốt phiên vẫn tăng điểm nhẹ, lần lượt 0,62% và 01% với một số cổ phiếu tích cực như BSR (+2,1%), SHS (+3,2%), PVS (+2,7%), CEO (+1,4%) trong đó nổi bật nhất là SHS và PVS với giao dịch lần lượt 1.180 tỷ đồng và 690 tỷ đồng. Tính chung, cả 2 sàn đạt hơn 4.200 tỷ đồng.