Định vị thị trường
Chứng khoán thế giới đã bật lên sau khi đồng USD, giá dầu cùng lợi suất trái phiếu Mỹ hạ nhiệt. Chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong có mức bật mạnh nhất, đạt 2,71%. Trong khi đó, KOSPI (+0,09%), STI (+0,57%), TWSE (+0,27%), SHCMP (+0,1%), có mức tăng khiêm tốn hơn.
Trong phiên giao dịch ngày 29/9, VN-Index cũng có sự đồng thuận với chứng khoán châu Á và nằm trong nhóm có biên độ tăng hẹp. Chỉ số đã có cơ hội lấy lại xu hướng tăng trung hạn, tuy nhiên, vẫn đóng cửa dưới đường MA100.
Chất xúc tác
Sự kiện đáng chú ý nhất hôm nay là Tổng cục Thống kê công bố số liệu vĩ mô quý III/2023. Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước. So với các quý trước, tình hình kinh tế dường như đã cải thiện hơn, tuy nhiên, kết quả quý III/2023 vẫn tạo ra thách thức để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,5%. Ngoài ra, số liệu cũng phác họa bức tranh kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên trong quý này sẽ có sự phân hóa mạnh.
Về yếu tố dòng tiền, nhà đầu tư vẫn dành sự quan tâm tới động thái sự điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và giao dịch của khối ngoại trên thị trường chứng khoán.
Cụ thể, tỷ giá trung tâm được công bố sáng nay chỉ tăng 1 đồng lên 24.089 VND/USD, trong khi đó lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã tăng thêm 4 điểm cơ bản lên 0,24%. Hiện hoạt động phát hành tín phiếu của NHNN đã hút khỏi thị trường gần 90.000 tỷ đồng. Trong ngày hôm qua, đã có 20.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu, với lãi suất tăng lên mức 0,70%.
Với khối ngoại, hoạt động bán ròng bước sang phiên thứ 2, trong đó HOSE bị rút ra 536 tỷ đồng. Các mã bị bán ra nhiều nhất là: CTG (-89 tỷ đồng), HPG (-89 tỷ đồng), VCI (-76 tỷ đồng), DPM (-47 tỷ đồng), FUEVFVND (-40,28 tỷ đồng), HCM (-31 tỷ đồng), VIC (-23,7 tỷ đồng).
Vận động thị trường
Dù VIC đã bị khối ngoại bán ròng phiên thứ 3 liên tiếp nhưng hôm nay lại là phiên tăng giá tốt nhất của cổ phiếu này trong vòng gần 2 tháng trở lại đây. Thậm chí, đã có thời điểm VIC chạm mốc giá trần.
Đóng cửa phiên, VIC tăng 4,11% lên 46.850 đồng/cổ phiếu cùng với quy mô giao dịch lớn thứ 2 thị trường, đạt 640 tỷ đồng. Các mã VHM (+2,2%), VRE (+2,6%) cũng được kéo theo, trong khi nhiều cổ phiếu VN30 như BCM (+3,4%), VPB (+2,4%), SHB (+1,4%) cũng hậu thuẫn cho VN30 hồi phục. Chỉ số đại diện cho 30 cổ phiếu vốn hóa hàng đầu đã tăng 0,16%.
Dù vậy, ngay trong rổ VN30 vẫn còn tới 14/30 mã giảm giá với những trường hợp như HPG, FPT, CTG, SSI , TPB cùng giảm trên 1%. Lượng tiền trong VN30 cũng đang bị hao hụt khi khớp lệnh giảm 25% so với phiên hôm qua.
Điều này dẫn đến lượng tiền trên cả thị trường cũng đang yếu đi. Tổng khối lượng của cả HOSE chỉ đạt 574 triệu đơn vị, tương đương 13.960 tỷ đồng.
Thị trường trở nên phân hóa và không có cơ hội rõ ràng. Độ rộng của cả HOSE đạt 50% mã tăng so với 38,5% mã giảm giá. Một số mã tăng tốt như: FRT (+4,46%), LHG (+6,87%), GEG (+6,35%), NHH (+6,73%), chỉ xuất hiện như những cơ hội hiếm hoi trên thị trường.
Chỉ số VN-Index vẫn tiếp tục nằm ngay dưới đường MA100 dù đã tăng 0,15% lên 1.154 điểm. Đây cũng là tuần giảm thứ 3 liên tiếp của chỉ số với biên độ giảm lớn nhất - 3,26%.
Tương tự, trên HNX và UPCoM, sự thận trọng của dòng tiền cũng kéo tụt quy mô giao dịch. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.300 tỷ đồng. HNX-Index (+0,79%), UPCoM-Index (+0,38%) có mức giảm theo tuần lần lượt là 2,8% và 2,18%.