Sáng 29/9, Tổng cục Thống kê họp báo công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, quý III/2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước.
Theo bà Hương, mặc dù GDP quý III/2023 chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021 trong giai đoạn từ năm 2011-2023 nhưng đây vẫn là con số thể hiện xu hướng phục hồi tích cực so với hai quý đầu năm 2023 (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%, đóng góp 8,03% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,19%, đóng góp 38,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,24%, đóng góp 53,34%.
Về sử dụng GDP quý III/2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,79% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 40,56% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 6,61%, đóng góp 44,92%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 2,27%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 1,42%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 14,52%.
Tính chung 9 tháng năm 2023, GDP tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và năm 2021 trong giai đoạn 2011-2023 . Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,57%.
Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năng suất lúa đông xuân và hè thu đạt khá, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ năm trước, chăn nuôi phát triển ổn định, nuôi trồng thủy sản đạt kết quả khả quan. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 3,13% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,56%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.
Với khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp, bà Hương cho biết, 9 tháng năm 2023 khu vực này đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.
Do đó, giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn từ năm 2011-2023, đóng góp 0,56 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn từ năm 2011-2023, đóng góp 0,51 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 6,17%, đóng góp 0,42 điểm phần trăm.
Điểm sáng là các ngành thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng năm 2023, tăng 6,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,87% và mức giảm 0,05% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.
Trong khu vực dịch vụ, đóng góp của một số ngành có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như sau: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,04% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,66%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,91%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,17%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm.
Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2023, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,51%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,16%; khu vực dịch vụ chiếm 42,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,61% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,47%; 38,49%; 41,29%; 8,75%).
Về sử dụng GDP 9 tháng năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 34,30% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 3,22%, đóng góp 19,35%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 5,79%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,19%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 46,35%.
Nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức trong quý IV
Đánh giá về mức tăng trưởng 9 tháng năm 2023, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, không thuận lợi, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng 4,24%, tuy đây không phải là mức tăng trưởng cao nhưng là kết quả tích cực.
Bên cạnh đó, các chỉ số thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì mức tăng khá.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trụ vững với mức tăng ổn định khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao, an sinh xã hội được quan tâm kịp thời, hiệu quả.
Tuy nhiên, bước sang quý IV/2023, bà Hương nhận định kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các biến động về kinh tế, chính trị của thế giới, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, biến đổi khí hậu và dịch bệnh khó dự báo.
Do đó, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 theo Nghị quyết số 01/NQ-CP là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh, tập trung triển khai hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
"Kinh tế nước ta cần tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hơn nữa xu hướng tích cực, tập trung thực hiện những giải pháp thúc đẩy cỗ xe tam mã để đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế cao nhất trong những tháng cuối năm", bà Hương nói.
Cùng với đó, bà Hương cũng nêu một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong 3 tháng cuối năm.
Đầu tiên là tiếp tục tập trung triển khai nhanh, hiệu quả các chủ trương, chính sách về tài chính, tiền tệ. Liên tục cập nhật các kịch bản dự báo về tăng trưởng, lạm phát để chủ động điều hành, ứng phó với các tình huống phát sinh...
Đồng thời, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa.
Triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, phát triển du lịch. Thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường truyền thống, tập trung đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông, lâm nghiệp và thủy sản. Mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu.
Tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Ngoài ra, cần thực hiện có hiệu quả, kịp thời, đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân.