Đó là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đưa ra tại "Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024" do Chính phủ tổ chức sáng ngày 5/1/2024.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), năm 2023 tiếp tục là năm đầy khó khăn, thách thức đối với việc điều hành kinh tế vĩ mô, tiền tệ của Chính phủ. Nhưng với sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã chủ động, chắc chắn và linh hoạt trong điều hành đã góp phần vào kiểm soát lạm phát bình quân ở mức 3,25%, đảm bảo an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định.
“Việt Nam đồng mất giá khoảng 2,9% cho thấy là một trong những đồng tiền có tính ổn định cao và dự trữ ngoại hối Nhà nước cải thiện so với cuối năm ngoái. Đây là những điểm cộng để nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong năm 2023”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nói.
Khi lạm phát được kiểm soát ở mức thấp và dự báo áp lực lạm phát không lớn, NHNN đã chủ động 4 lần giảm lãi suất điều hành và đưa mặt bằng lãi suất cho vay giảm so với cuối năm ngoái hơn 2%, đặc biệt mặt bằng lãi suất đã đưa về bằng thời điểm trước khi xảy ra dịch COVID-19.
NHNN cũng đã thực hiện cơ cấu lại, giữ nguyên nhóm nợ và triển khai các gói tín dụng thiết thực như: Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; Chương trình tín dụng 15.000 tỷ đồng cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; phân bổ hết hạn mức tín dụng hàng năm từ giữa năm 2023 và phối hợp với nhiều địa phương tổ chức hàng trăm hội nghị kết nối giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, đến hết năm 2023, tín dụng tăng khoảng 13,7%, thấp hơn không đáng kể so với mức 14,18% của năm trước. Tín dụng tăng cao vào cuối năm là nhờ kết quả của sự tháo gỡ khó khăn nêu trên.
"Năm 2023 cũng là năm mà NHNN tập trung nhiều vào các nhóm giải pháp căn cơ cho sự bền vững trong trung hạn. Qua các vụ việc đã xảy ra, NHNN đã rút ra được những bài học để có sự lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, nâng cao khả năng phát hiện rủi ro, chủ động cảnh báo với các tổ chức tín dụng và tăng cường công tác thanh tra, giám sát", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chia sẻ thêm.
NHNN cũng thực hiện Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025", hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện cuối cùng trước khi chuyển giao pháp lý.
Đặc biệt, ngành Ngân hàng cũng là một trong các bộ, ngành đi tiên phong trong công tác chuyển đổi số giảm chi phí và tăng tiện ích cho doanh nghiệp và người dân. Hiện nay hầu hết các dịch vụ, nghiệp vụ ngân hàng đều thực hiện trên môi trường số. NHNN đang cùng Bộ Công an triển khai thí điểm đối với các khoản tín dụng nhỏ lẻ để hạn chế “tín dụng đen”.
Về kế hoạch năm 2024, Thống đốc cho hay, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, do đó, NHNN đã chuẩn bị tâm thế ứng phó linh hoạt với tình hình và sẽ tập trung xử lý những vấn đề tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống ngân hàng như: xử lý ngân hàng yếu kém và xử lý các khoản nợ xấu đang có xu hướng gia tăng.
Thống đốc khẳng định NHNN sẽ tập trung vào các vấn đề người dân, doanh nghiệp quan tâm và đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt như điều hành tín dụng. Ngay từ những ngày đầu năm, NHNN đã đưa ra định hướng điều hành tín dụng là 15%. Hiện NHNN đã phân bổ hết cho các tổ chức tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của các tổ chức tín dụng với các tiêu chí rất rõ ràng, minh bạch.
Bên cạnh đó, NHNN sẽ theo dõi sát diễn biến tình hình, nếu như lạm phát được kiểm soát ở mức thấp sẽ có điều chỉnh phù hợp. Ngược lại, nếu lạm phát tăng cao, NHNN sẽ sử dụng các công cụ tiền tệ để kiểm soát nhằm đạt được mục tiêu đề ra.
Tại hội nghị, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng đưa ra 2 kiến nghị gồm:
Thứ nhất, trong điều kiện dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức cao như một số tổ chức quốc tế cảnh báo, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đặc biệt, cần giải quyết vấn đề về vướng mắc pháp lý để tạo điều kiện cho các dự án hoạt động trở lại và hạn chế nợ xấu phát sinh, tạo điều kiện phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào vốn ngân hàng, nhất là nguồn vốn trung, dài hạn.
Thứ hai, NHNN nhìn nhận, hiện nay, doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam chiếm 95% nhưng vẫn gặp khó khăn nên các giải pháp của Chính phủ cần tập trung vào nhóm này theo những giải pháp đã có trong luật như bảo lãnh vay vốn ngân hàng. Đồng thời, hướng dẫn doanh nghiệp đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn xanh bền vững vốn đang rất khắt khe, bởi nếu không đáp ứng những tiêu chuẩn này thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó khăn.