Theo thống kê của Sở GDCK TP. Hồ Chí Minh, kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 12/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.129,93 điểm, tăng 3,27% so với tháng 11/2023 và tăng 12,2% so với cuối năm 2022.
Thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 12/2023 với khối lượng và giá trị giao dịch bình quân phiên lần lượt đạt trên 694,2 triệu cổ phiếu và 15.959 tỷ đồng, tương ứng giảm lần lượt 8,1% về khối lượng bình quân và 3,67% về giá trị bình quân so với tháng 11/2023. Tổng khối lượng cổ phiếu giao dịch trong tháng đạt trên 14,5 tỷ cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch đạt 335.152 tỷ đồng, giảm lần lượt 12,28% về khối lượng và 8,05% về giá trị so với tháng 11/2023.
Tính chung cả năm, khối lượng giao dịch bình quân phiên đạt 736,7 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị giao dịch bình quân phiên 15.120 tỷ đồng; tương ứng tăng 12,62% về khối lượng bình quân và giảm 11,07% về giá trị bình quân so với năm 2022.
Lượng cổ phiếu đang niêm yết đạt trên 151,4 tỷ cổ phiếu. Giá trị vốn hóa niêm yết đạt hơn 4,55 triệu tỷ đồng, tăng 3,35% so với tháng trước, chiếm hơn 93,3% tổng giá trị vốn hóa niêm yết toàn thị trường và tương đương 47,9% GDP năm 2022 (GDP theo giá hiện hành).
Đáng chú ý, HOSE vẫn tiếp tục giữ nguyên số lượng cổ phiếu có vốn hóa hơn 1 tỷ USD là 42 mã, bằng đúng số mã trong tháng 11/2023 với các gương mặt trong danh sách cũng không có bất kỳ sự xáo trộn nào.
Tuy nhiên, xét về vận động vốn hóa, có 4 mã quy mô vốn hóa tăng hơn 10% là BID, MSN, HDB, MWG, trong đó HDB có mức tăng mạnh nhất 12,8%. Cổ phiếu BID với vị trí vốn hóa đứng thứ 2 tại sàn có mức tăng 11,71% còn MSN là 10,74% và MWG là 11,17%.
Trong khi đó, VCB với vị trí vốn hóa số 1 của HOSE lẫn toàn thị trường chứng khoán Việt Nam lại có tháng giảm 5,2%, qua đó có 5 tháng liên tiếp giảm giá.
Tính chung cả năm 2023, SSI là cổ phiếu có mức tăng trưởng ấn tượng nhất về giá trị vốn hóa, đạt +86,55%.
Để thị trường năm 2024 có thể tiếp tăng trưởng về điểm số, HOSE sẽ cần nhiều hơn các cổ phiếu có quy mô vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong khi đó, các cổ phiếu trong danh sách kể trên cũng cần phải có những nỗ lực cải thiện thị giá.
Theo đánh giá của CTCK Mirae Asset Vietnam (MAS), thị trường vẫn đang đứng trước triển vọng cải thiện định giá từ mức 15 lần hiện tại lên mức trung bình lịch sử là 16−17 lần; tại đó, mức định giá của Việt Nam sẽ ngang bằng với trung vị các thị trường chứng khoán khác trên thế giới.
Nhờ lãi suất cho vay giảm và các chính sách hỗ trợ, MAS kỳ vọng đầu tư, sản xuất và tiêu dùng sẽ phục hồi hơn nữa; nhờ đó, tăng trưởng thu nhập trên 1 cổ phiếu (EPS) ở hầu hết các ngành dự kiến sẽ tăng vào năm 2024, so với mức kỳ vọng giảm 4% trong năm 2023.
Tuy nhiên, điểm cần lưu ý là EPS từ hoạt động kinh doanh liên tục của các công ty niêm yết đã bị thấp hơn đáng kể so với mức EPS tổng thể kể từ khi xảy ra dịch COVID-19.
Điều này cho thấy, các công ty trở nên dễ bị tác động nặng nề hơn so với trước thời điểm xảy ra dịch COVID, trước những cơn gió ngược toàn cầu, hay có bất kỳ thay đổi nào mang tính trọng yếu. Một số biến số có thể làm ảnh hưởng đến triển vọng kinh doanh là sự không chắc chắn về thời gian và quy mô cắt giảm lãi suất của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong năm 2024; tác động của lãi suất toàn cầu cao đối với việc đảo nợ, hoạt động kinh doanh, tiêu dùng; hậu quả ngày càng lan rộng từ khủng hoảng bất động sản Trung Quốc; rủi ro địa chính trị.