Chỉ số MXV-Index giảm 0,98% xuống còn 2.160 điểm chỉ sau một ngày giá phục hồi tích cực. Trong đó, chỉ số giá hàng hóa nhóm nguyên liệu công nghiệp sụt giảm mạnh nhất. Đồng USD mạnh lên đã tạo sức ép lớn lên không chỉ thị trường cà phê mà còn cả thị trường kim loại quý.
Giá kim loại cơ bản nối dài đà giảm khi nhu cầu Trung Quốc yếu
Kết thúc ngày giao dịch 23/7, sắc đỏ bao trùm gần hết thị trường kim loại (ngoại trừ bạc). Lực bán chiếm ưu thế trên thị trường bạch kim trong hầu hết phiên hôm qua do bị sức ép từ việc mạnh lên của đồng USD. Một số thời điểm, chỉ số DXY chạm mốc 104,5 điểm, cao nhất hơn hai tuần gần đây.
Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng hạn chế mở vị thế mua mới khi thị trường chuẩn bị đón nhận hai dữ liệu kinh tế quan trọng là báo cáo tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II và chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ. Đóng cửa, giá bạch kim giảm nhẹ 0,08% xuống còn 955 USD/ounce.
Đối với kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ 7 liên tiếp, chốt phiên tại mức 9.172 USD/tấn sau khi giảm 0,88%. Nhu cầu tiêu thụ đồng ảm đạm tại Trung Quốc - quốc gia tiêu thụ hơn một nửa đồng của thế giới vẫn đang gây sức ép lên giá đồng.
Dữ liệu từ Tổng cục thống kê Trung Quốc cho thấy các nhà sản xuất đồng nước này đã tăng xuất khẩu đồng tinh chế lên mức kỷ lục trong bối cảnh tiêu dùng nội địa yếu. Cụ thể, tháng 6, nước này đã xuất khẩu hơn 157.750 tấn đồng tinh chế, tăng gấp 7 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá quặng sắt lao dốc gần 2,8% xuống mức xấp xỉ 100,6 USD/tấn, nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp. Sự suy yếu của giá quặng sắt diễn ra trong bối cảnh nhu cầu ở Trung Quốc có “triển vọng ảm đạm”. Sự phục hồi kinh tế không ổn định của nước này tiếp tục bị cản trở bởi nhu cầu trong nước yếu, áp lực giảm phát kéo dài và lĩnh vực bất động sản yếu kém.
Cùng chung diễn biến, giá nhôm LME nối dài đà giảm sang phiên thứ sáu liên tiếp do nhu cầu tiêu thụ còn hạn chế, trong khi nguồn cung liên tục tăng mạnh, đặc biệt là tại Trung Quốc, quốc gia sản xuất nhôm lớn nhất thế giới. Dữ liệu từ Viện Nhôm Quốc tế (IAI) cho thấy tháng 6, sản lượng nhôm sơ cấp toàn cầu đạt 5,54 triệu tấn trong tháng 6, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trung Quốc cũng cho biết tháng 6, cả nước đã sản xuất 1,67 triệu tấn nhôm sơ cấp, mức cao nhất trong gần một thập kỷ qua.
Thị trường nguyên liệu công nghiệp đồng loạt giảm giá
Sau phiên khởi sắc đầu tuần, đóng cửa phiên giao dịch hôm qua, giá hai mặt hàng cà phê đồng loạt giảm lần lượt 1,63% với Arabica và 2,18% với Robusta. Chỉ số Dollar Index tăng 0,13% khiến tỷ giá USD/BRL tăng 0,12%, quay lại mức cao nhất trong hơn hai năm qua. Sức mạnh đồng USD tăng so với đồng Real đã kích thích nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil, từ đó gây sức ép lên giá.
Ngoài ra, báo cáo tiến độ cho thấy Brazil vẫn đang đẩy mạnh hoạt động thu hoạch cà phê. Theo hãng tư vấn Sfras&Mercado, tính đến ngày 17/7, Brazil đã thu hoạch 74% sản lượng cà phê vụ 2024-2025, cao hơn mức 66% của cùng kỳ năm ngoái và 70% của trung bình 5 năm gần nhất.
Diễn biến đáng chú ý khác trên thị trường nguyên liệu công nghiệp, giá đường 11 cũng nối dài đà giảm sang phiên thứ 6 liên tiếp, về mức giá thấp nhất trong gần hai năm. Thị trường tiếp tục neo theo triển vọng nguồn cung đường tích cực hơn tại Ấn Độ và Thái Lan, thay vì những tín hiệu kém về mùa vụ mía tại Brazil. Giới phân tích đang có xu hướng nâng triển vọng nguồn cung đường vụ 2024-2025 tại Ấn Độ do thời tiết tại nước này đang khá thuận lợi.
Trong khi đó, Trung tâm Công nghệ Mía Brazil (CTC) cho biết tháng 6, năng suất nông nghiệp đã giảm 1,5% so với mùa trước. Dự kiến sản lượng cũng sẽ giảm hơn nữa. Ngoài ra, giới môi giới đã hạ dự báo sản lượng đường niên vụ 2024-2025 tại Brazil do phân bổ mía để sản xuất đường thấp hơn dự kiến và chất lượng mía kém.