Đáng chú ý trên thị trường kim loại, giá toàn bộ 10 mặt hàng đồng loạt suy yếu. Đối với thị trường năng lượng, cuối tuần qua, giá dầu cũng lao về mức thấp nhất kể từ giữa tháng 6 trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc trầm lắng, trong khi đồng USD mạnh lên.
Giá dầu nối dài suy yếu sang tuần thứ hai liên tiếp
Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, giá dầu thế giới nối dài đà suy yếu sang tuần thứ hai liên tiếp. Giá dầu thô chịu áp lực từ nhu cầu của Trung Quốc trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang gặp nhiều sức ép. Chốt tuần, giá dầu WTI giảm 2,94% xuống mức 78,64 USD/thùng, giá dầu Brent giảm 2,82% về mức 82,63 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chậm lại trong quý II, với GDP chỉ tăng 4,7% so với cùng kỳ năm ngoái, không đạt được kỳ vọng của thị trường là 5,1% và là mức tăng trưởng thấp nhất kể từ quý I/2023. Trong khi đó, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 6, giảm từ mức 5,6% của tháng 5.
Các quan chức Trung Quốc phần nào thừa nhận các mục tiêu kinh tế sâu rộng của nước này sẽ gặp rất nhiều thách thức. Sự giảm tốc đối với nền kinh tế nói chung và nhu cầu dầu thô nói riêng của quốc gia nhập khẩu dầu thô số 1 thế giới đã tạo ra áp lực lớn lên thị trường dầu toàn cầu. Trong khi đó, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ chỉ đạt mức tăng trưởng khiêm tốn trong khoảng 3,2 - 3,3% trong hai năm tới trong bối cảnh hoạt động hạ nhiệt ở Mỹ và tăng trưởng chạm đáy ở châu Âu.
IMF cũng đưa ra cảnh báo rằng rủi ro lạm phát trong ngắn hạn vẫn còn, làm tăng triển vọng lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn, từ đó làm tăng rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu. Áp lực trên thị trường cũng tiếp tục được gia tăng bởi sự phục hồi của đồng USD với chỉ số DXY bật tăng gần 3% lên 104,4 điểm từ mức đáy trong vòng 4 tháng.
Đà bán tháo diễn ra trong phiên giao dịch cuối tuần sau sự cố ngừng hoạt động công nghệ toàn cầu đã làm gián đoạn hoạt động trong nhiều ngành công nghiệp. Sự cố ngừng hoạt động cũng làm dấy lên lo ngại sự mất an toàn đối với ngành công nghệ thông tin, qua đó, các hệ thống giao dịch cũng bị ảnh hưởng.
Hoạt động chốt lời ở vùng giá cao gia tăng, giá kim loại chịu áp lực bán mạnh
Theo ghi nhận của MXV, đóng cửa tuần giao dịch vừa qua, toàn bộ mặt hàng kim loại đồng loạt suy yếu với các mức giảm sâu 3 - 7%. Đối với kim loại quý, giá bạc giảm gần 6% về 29,3 USD/ounce, mức thấp nhất ba tuần gần đây. Đây cũng là tuần giảm mạnh nhất của giá bạc kể từ đầu tháng 12 năm ngoái. Giá bạch kim cũng để mất 3,89% giá trị, chốt tuần tại 973,9 USD/ounce, thấp nhất trong một tháng.
Tuần trước, hoạt động đẩy mạnh chốt lời ở vùng giá cao của giới đầu tư đã khiến giá bạc và giá bạch kim chịu áp lực bán mạnh. Hơn nữa, một số dữ liệu việc làm và sản xuất của Mỹ tích cực hơn so với dự báo đã củng cố cho sức mạnh của đồng USD, qua đó gây sức ép lên nhóm kim loại quý vốn nhạy cảm với biến động tiền tệ. Chỉ số DXY đã phục hồi sau hai tuần giảm liên tiếp, đóng cửa tuần với mức tăng gần 0,3% lên 104,4 điểm.
Tuần này, tâm điểm chú ý của thị trường sẽ chuyển sang báo cáo tăng trưởng GDP quý II của Mỹ và chỉ số tiêu dùng cá nhân (PCE). Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, nếu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt, kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất vào tháng 9 tới sẽ ngày càng được củng cố, nhóm kim loại quý cũng sẽ được hưởng lợi.
Đối với kim loại cơ bản, các mặt hàng trong nhóm đồng loạt gặp sức ép bởi nhu cầu tiêu thụ mờ nhạt trong khi nguồn cung dư thừa. Trong đó, với cả 5 phiên giao dịch đều đóng cửa trong sắc đỏ, giá đồng COMEX chốt tuần với mức giảm mạnh 7,76% về 9.339 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn ba tháng qua. Diễn biến đồng pha, giá nhôm LME cũng lao dốc do tình trạng dư thừa nguồn cung. Chốt tuần, giá nhôm LME sụt giảm 5,22% về 2.351 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 4.