Thị trường kim loại chìm trong sắc đỏ
Khép lại phiên giao dịch ngày 17/7, ngoại trừ chì LME, tất cả các mặt hàng kim loại đồng loạt suy yếu. Trong đó, giá bạc để mất 3,44% về 30,38 USD/ounce. Giá bạch kim giảm nhẹ 0,34% xuống mức 1.008 USD/ounce. Thị trường kim loại quý biến động khá mạnh trong phiên hôm qua.
Trong phiên sáng, giá bạc và giá bạch kim đón nhận lực mua tích cực nhờ kỳ vọng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm hạ lãi suất. Ngân hàng Goldman Sachs và cơ quan xếp hạng tín dụng Moody’s mới đây còn dự báo FED thậm chí có thể cắt giảm 25 điểm cơ bản ngay trong cuộc họp cuối tháng này vào ngày 30 - 31/7 sắp tới.
Tuy nhiên, sang phiên chiều, giá dần suy yếu và xóa bỏ hoàn toàn mức tăng trước đó khi giới đầu tư đẩy mạnh hoạt động chốt lời. Ngoài ra, thị trường cũng thận trọng hơn khi thời điểm FED xoay trục chính sách còn là ẩn số; một bộ phận nhà đầu tư mang tâm lý lo ngại lạm phát Mỹ có thể tăng mạnh trở lại khiến FED tiếp tục trì hoãn giảm lãi suất.
Cùng chung diễn biến với kim loại quý, giá các mặt hàng nhóm kim loại cơ bản cũng đồng loạt suy yếu trong phiên hôm qua. Trong đó, giá quặng sắt giảm hai phiên liên tiếp với mức giảm 2,24% xuống 104,95 USD/tấn, mức thấp nhất trong vòng ba tuần qua. Giá nhôm LME nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp và vẫn đang neo ở vùng đáy ba tháng. Nguyên nhân chính gây sức ép lên hai mặt hàng này là tiêu thụ còn yếu trong khi nguồn cung dư thừa.
Dầu chấm dứt chuỗi giảm ba phiên liên tiếp
Đi ngược với xu hướng của thị trường kim loại trong ngày giao dịch hôm qua, giá dầu thế giới cắt đứt chuỗi suy yếu ba phiên liên tiếp khi bật tăng trước rủi ro nguồn cung bên cạnh sức ép tồn kho từ Mỹ. Kết phiên, giá dầu WTI tăng 2,59% lên mức 82,85 USD/thùng, dầu thô Brent tăng 1,61%, đạt mức 85,08 USD/thùng.
Theo Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ trong tuần kết thúc ngày 12/7 giảm 4,8 triệu thùng, xác nhận lại công bố tương tự của Viện Dầu khí Mỹ trong phiên sáng. Mức tồn kho giảm trái ngược so với dự báo không đổi của thị trường tạo đà hỗ trợ đối với giá, bất chấp việc tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất đều ghi nhận mức tăng hơn 3 triệu thùng.
Cũng theo EIA, sản lượng dầu thô của North Dakota, một trong những bang sản xuất dầu lớn nhất của Mỹ, trong tháng 5 đạt 1,195 triệu thùng/ngày, giảm khoảng 50.000 thùng/ngày so với tháng 4 và đánh dấu sản lượng hàng tháng thấp nhất kể từ đợt đóng băng vào tháng 1 đầu năm.
Về phía Nga, thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu và đồng minh (OPEC+) cho biết họ sẽ cắt giảm sản lượng dầu thô bổ sung để bù đắp cho việc bơm cao hơn hạn ngạch OPEC+ cho tới khoảng tháng 9/2025.
Thêm vào đó, áp lực nguồn cung trên thị trường tiếp tục tăng lên khi Bộ Năng lượng Nga đã đề xuất gia hạn lệnh cấm xuất khẩu xăng dầu sang tháng 9 và tháng 10. Trước đó, các hạn cấm xuất khẩu diễn ra vào tháng 5 cho đến ngày 30/6 và việc đình chỉ sau đó đã được gia hạn cho đến cuối tháng 7. Ngoài ra, căng thẳng ở Trung Đông và châu Âu gia tăng có thể tiếp tục thúc đẩy áp lực lên thị trường và hỗ trợ cho giá.