Trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua, giá vàng liên tiếp lập nhiều mức cao kỷ lục mới. Với giá giao ngay đạt kỷ lục 2.582,04 USD/ounce, mức tăng giá vàng năm nay đã cao nhất kể từ năm 2020, tăng 24%, do nhu cầu trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn địa chính trị và kinh tế cũng như hoạt động mua mạnh mẽ từ phía các ngân hàng trung ương.
Giá vàng đang liên tiếp lập những kỷ lục cao mới.
Các ngân hàng đầu tư và các nhà phân tích ngày càng lạc quan về vàng do chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn và cuộc đua bầu cử Tổng thống Mỹ.
Trang Investing.com cho rằng: “Giá vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce trong 12-18 tháng tới, mặc dù dòng tiền lúc này cho thấy mức giá đó không thể đạt tới vào lúc này”.
Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán giá vàng có thể tăng lên 2.700 đô la vào đầu năm tới. Kim loại này vẫn là biện pháp phòng ngừa rủi ro địa chính trị và tài chính ưa thích của ngân hàng này.
"Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sắp cắt giảm lãi suất và điều đó sẽ thu hút dòng tiền ở phương Tây trở lại thị trường vàng”, ngân hàng Goldman Sachs cho biết, và thêm rằng ở những đợt giá vàng tăng trong 2 năm qua, chưa thấy vai trò đáng kể của những dòng vốn từ phương Tây. Như vậy, nếu có thêm các nhà đầu tư phương Tây, giá vàng chắc chắn sẽ còn tăng mạnh mẽ hơn nữa.
Ngân hàng Bank of America dự đoán trong tương lai, vàng có thể đạt giá 3.000 USD/ounce vào năm 2025.
Aakash Doshi, người phụ trách bộ phận hàng hóa khu vực Bắc Mỹ của ngân hàng Citi Research cũng cho rằng giá vàng có thể đạt 2.600 USD vào cuối năm 2024 và 3.000 USD vào giữa năm 2025 do Mỹ bước vào chu kỳ cắt giảm lãi suất, nhu cầu mạnh mẽ từ các quỹ giao dịch trao hoán đổi bằng vàng (quỹ ETF vàng) và nhu cầu mạnh mẽ đối với vàng vật chất.
Ngân hàng Macquarie của Úc tuần qua đã nâng dự báo về triển vọng giá vàng, vcho rằng giá sẽ đạt 2.600 USD/ounce trong quý I/2025, thậm chí có khả năng tăng đột biến lên 3.000 đô la. Tuy nhiên, các nhà phân tích của ngân hàng này cảnh báo: "Mặc dù bối cảnh triển vọng tài chính của các thị trường phát triển còn nhiều thách thức vẫn có tiềm năng tác động tích cực đối với vàng, nhưng bên cạnh đó còn nhiều yếu tố tác động khác, với khả năng xuất hiện những cơn gió ngược theo chu kỳ vào cuối năm tới".
Mới đây, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết các quỹ ETF vàng trên toàn cầu đã chứng kiến dòng vốn chảy vào 4 tháng liên tiếp tính tới tháng 8/2024. Cụ thể, lượng vàng nắm giữ của quỹ ETF được hỗ trợ bằng vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust GLD ở thời điểm 12/9/2024 đã đạt mức cao nhất kể từ đầu tháng 1.
Dòng tiền chảy vào các quỹ ETF vàng trên toàn cầu.
Cuộc họp tiếp theo của ngân hàng trung ương Mỹ đang đến gần (ngày 18 tháng 9) và sự kiện này đang đặc biệt thu hút sự chú ý của các thị trường bởi có nhiều khả năng tại đó Mỹ sẽ quyết định cắt giảm lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2020. Lãi suất thấp thường có xu hướng hỗ trợ vàng, loại tài sản vàng không sinh lãi bằng phương thức lãi suất.
Các nhà đầu tư hiện đang dự đoán có 55% khả năng Fed cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong k ỳ họp này; khả năng cắt giảm 50 điểm cơ bản là 45%, theo công cụ FedWatch của CME.
Tỷ lệ dự đoán về mức độ cắt giảm lãi suất của Fed.
Theo nhận định của Peter A. Grant, phó chủ tịch kiêm chiến lược gia về kim loại cấp cao tại Zaner Metals cho biết, nếu các dữ liệu sắp tới của Mỹ cho thấy nguy cơ nền kinh tế này tăng trưởng sa sút và thị trường lao động trở nên yếu kém thì sẽ gia tăng khả năng Fed hạ lãi suất 50 điểm cơ bản trong tháng 11 hoặc tháng 12/2024, kéo theo sự gia tăng tăng động lực cho thị trường vàng và đẩy nhanh thời điểm giá kim loại này đạt được mốc 3.000 USD.
Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cũng cho rằng mốc giá vàng 3.000 USD/ounce hoàn toàn có thể đạt được, đồng thời nói thêm rằng kịch bản này có thể xảy ra là bởi tình hình bất ổn chính trị sau cuộc bầu cử.
Việc các ngân hàng trung ương lớn cắt giảm lãi suất đang diễn ra tốt đẹp, với việc Ngân hàng Trung ương Châu Âu tuần qua vừa thực hiện đợt cắt giảm lãi suất 1/4 điểm.
"Chúng tôi cũng đang đánh giá các yếu tố khác thúc đẩy nhu cầu từ các nhà đầu tư phương Tây, bao gồm cuộc bầu cử sắp tới ở Mỹ - có thể làm tăng thêm sự không chắc chắn và vàng đóng vai trò là hàng rào chống lại các yếu tố rủi ro", Joseph Cavatoni, chiến lược gia thị trường của Hội đồng Vàng Thế giới cho biết.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào ngày 5 tháng 11 có thể đẩy giá vàng tăng bởi những biến động tiềm ẩn của thị trường có thể thúc đẩy các nhà đầu tư hướng đến vàng như một nơi trú ẩn an toàn.
Ngoài ra, việc một số nước BRICS đang nỗ lực hợp tác chặt chẽ hơn trong lĩnh vực tiền tệ cũng thúc đẩy giá vàng tăng. Everett Millman, Trưởng phòng phân tích thị trường tại Gainesville Coins, cho biết: “Động lực tích cực thúc đẩy vàng cũng đến từ sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa một số quốc gia BRICS về loại tiền tệ mà họ sẽ thảo luận vào tháng tới". "Câu chuyện phi đô la hóa đã tồn tại trong một thời gian khá dài và đang ngày càng trở nên cấp bách đối với một số quốc gia”
Biểu đồ giá vàng.
Tham khảo: Reuters