Định vị thị trường
Tâm lý của nhà đầu tư tại châu Á đang cải thiện và có dấu hiệu rũ bỏ đi nỗi lo về cuộc tấn công của Hamas vào Israel. Thị trường mạnh nhất châu Á là Nhật Bản có một phiên dẫn dắt cả khu vực với việc NIKKEI 225 tăng tới 2,43%. Các chỉ số Hang Seng (+0,84%), STI (+0,94%), KLCI (+1,11%), TWSE (+0,41%) cũng đều hưởng ứng với sắc xanh.
Nhờ đó, phiên giao dịch ngày 10/10, ghi nhận VN-Index có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp cùng với sự cải thiện hơn về dòng tiền.
Chất xúc tác
Chỉ số DXY dù đã hạ nhiệt nhưng trạng thái kỹ thuật của đồng Dollar vẫn còn trong một xu hướng tăng ngắn hạn. Hệ quả là tỷ giá trong nước đang giảm khá chậm. Trong sáng nay (ngày 10/10), tỷ giá trung tâm được niêm yết ở mức 24.063 VND/USD, giảm tiếp 6 đồng so với phiên liền trước.
Về hoạt động điều hành của Ngân hàng Nhà nước, động thái các phiên phát hành tín phiếu gần đây đang tạm thời được làm chậm lại. Phiên hôm qua, có gần 5.000 tỷ đồng tín phiếu trúng thầu với lãi suất giảm xuống mức 1,0%, đưa số tín phiếu lưu hành trên thị trường lên mức gần 145.700 tỷ đồng.
Điều này cũng đang tạo ra phản ứng trên hoạt động liên ngân hàng. Theo số liệu từ Refinitiv Eikon, lãi suất liên ngân hàng qua đêm đã giảm 28 điểm cơ bản xuống còn 0,72%. Các kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần còn giảm nhiều hơn lần lượt 34 điểm cơ bản và 31 điểm cơ bản.
Nhà đầu tư trong nước vẫn tiếp tục phải theo sát các diễn biến tỷ giá, khiến tâm lý thận trọng phản ánh qua thanh khoản có phiên thứ 5 liên tiếp ở dưới mức bình quân 20 phiên. Đóng góp của dòng tiền nội chiếm 93,5% tổng giá trị giao dịch 2 chiều trên HOSE.
Nhà đầu tư nước ngoài vẫn chỉ tham gia với tỷ trọng vừa phải là 6,5% và họ vẫn bán ròng trên sàn với giá trị ròng là 286,5 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Rổ VN30 có 21/30 mã tăng giá với các mã VIB (+2,4%), POW (+2,2%), HDB (+2,1%), VHM (+2,1%), HPG (+2%) là những cổ phiếu tăng trên 2%. Các mã Ngân hàng như VCB (+1,8%), ACB (+1,3%), TCB (+1,2%), VPB (+0,9%), MBB (+0,8%), không có được sự quyết liệt trong đà tăng cũng như dòng tiền tham gia.
Tính lan tỏa từ VN30 tới thị trường chung đã không được thể hiện tốt. Một số cổ phiếu tăng giá khá tốt như PC1 (+3,15%), TV2 (+5,36%), ANV (+2,56%) trở nên khá lạc lõng trong một bức tranh giao dịch phân hóa. Trong đó, PC1 đã có thời điểm xuất hiện giá trần nhưng bên mua vẫn chịu khuất phục trước lực bán chốt lời ngắn hạn.
Tình trạng quay đầu đảo chiều giảm cũng khá phổ biến với nhiều cổ phiếu như: HAH (-1,36%), LCG (-0,78%), CTD (-1,16%), HSG (-0,26%), PVT (-1,78%), cho thấy người mua chỉ đang tham gia với những vị thế thăm dò. Sắc xanh của VN-Index đã không phản ảnh hết được những dao động tâm lý tại các cổ phiếu Midcap và Penny.
Chỉ số VN-Index giữ sắc xanh được trong cả phiên với việc tăng 0,56% lên 1.143,69 điểm (+6,33%). Đây chủ yếu là đóng góp của rổ VN30 (+0,86%). Khối lượng giao dịch cả sàn đạt 671,76 triệu đơn vị, tương đương 15.347 tỷ đồng. Xét về khớp lệnh, mức thanh khoản đã tăng 15,05% và vẫn còn khá xa quy mô bình quân 20 phiên.
Các chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index cũng có một phiên tăng điểm, lần lượt 0,27% và 0,64%. Các mã tăng tốt nhất của 2 sàn là: TAR (+9,5%), DDG (+8,8%), BCC (+7,2%), VGI (+9%), VTP (+3,7%). Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.500 tỷ đồng.