Trong khi đó, khối lượng trái phiếu doanh nghiệp được mua lại trước hạn là 230.200 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cả năm 2022. Cơ cấu nhà đầu tư chủ yếu là các nhà đầu tư tổ chức chiếm 93,2% (trong đó các ngân hàng thương mại chiếm 54,5%), các nhà đầu tư cá nhân mua 6,8%.
Mặt khác, lũy kế đến ngày 25/12/2023, đã phát hành được 296.700 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, bằng 74,2% kế hoạch đầu năm, kỳ hạn phát hành bình quân 12,54 năm, lãi suất bình quân 3,21%/năm.
Bên cạnh đó, diễn biến thị trường chứng khoán năm 2023 có biến động tăng giảm đan xen, với xu hướng phục hồi. Tính đến ngày 25/12/2023, chỉ số VN-Index đạt 1.117,66 điểm, tăng 11% so với cuối năm 2022; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu tăng 12,1% so cuối năm 2022, tương đương 61,6% GDP năm 2022.
Theo Bộ Tài chính, cơ quan này đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc phát hành và thanh toán trái phiếu đến hạn, khôi phục niềm tin của thị trường, đồng thời đảm bảo quyền lợi của chủ sở hữu trái phiếu.
Từ tháng 7/2023, đã chính thức vận hành Hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, qua đó đã góp phần tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, tăng cường công khai, minh bạch, cảnh báo rủi ro trên thị trường.
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển thị trường; tăng cường công tác quản lý các tổ chức kinh doanh chứng khoán, hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp và công ty đại chúng; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm, nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường.