
Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được Tổng Bí thư Tô Lâm thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành ngày 4/5 đã khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.
Nghị quyết cũng nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Khu vực kinh tế tư nhân sẽ đóng góp khoảng 55-58% GDP, khoảng 35-40% tổng thu ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm cho khoảng 84-85% tổng số lao động. Đến năm 2045 mục tiêu có 3 triệu doanh nghiệp, đóng góp hơn 60% GDP.
Có thể thấy, đây không chỉ là mục tiêu tăng trưởng về số lượng mà còn là kỳ vọng tăng trưởng về chất đối với các doanh nghiệp tư nhân, để đóng góp ngày càng lớn hơn cho nền kinh tế đất nước.
Thực tế, sau gần 40 năm đổi mới, kinh tế tư nhân nước ta đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế. Khu vực kinh tế tư nhân hiện có khoảng hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách Nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng số lao động trong nền kinh tế.
Đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng ngân sách mỗi năm
Về mặt đóng góp ngân sách, trong năm 2024, tổng thu ngân sách Nhà nước của Việt Nam lần đầu tiên vượt 2 triệu tỷ đồng, tăng hơn 20% so với dự toán. Trong mức tăng chung đó không thể không kể đến đóng góp của những doanh nghiệp tư nhân hàng đầu đất nước.
Đơn cử như Vingroup (VIC), theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2024, tập đoàn này đã nộp ngân sách Nhà nước hơn 56.160 tỷ đồng, tăng 81,7% so với năm 2023 (nộp ngân sách hơn 30.900 tỷ đồng) và vượt mức kỷ lục hơn 44.900 tỷ đồng của năm 2022.
Số nộp ngân sách của Vingroup trong năm 2024 gồm 6 khoản chính, trong đó tiền sử dụng đất, thuê đất và các nghĩa vụ theo hợp đồng xây dựng - chuyển giao chiếm hơn nửa với hơn 28.797 tỷ đồng, gấp 5,8 lần so với số tiền nộp năm 2023. Tiếp theo là thuế thu nhập doanh nghiệp với 11.832 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2023; thuế giá trị gia tăng hơn 5.700 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân là 2.970 tỷ đồng; thuế tiêu thụ đặc biệt hơn 853 tỷ đồng và các loại thuế khác là 5.999 tỷ đồng.
Vingroup hiện là doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam (theo danh sách của Vietnam Report) với 112 công ty con, hoạt động đa ngành, trong đó ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, ô tô - xe máy điện, du lịch - nghỉ dưỡng, y tế, giáo dục… Năm 2024, tập đoàn này đạt doanh thu trên 189.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 5.276 tỷ đồng, lần lượt tăng 17% và 157% so với năm 2023.

Xếp sau Vingroup trong danh sách doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam năm 2024, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã nộp vào ngân sách Nhà nước hơn 13.400 tỷ đồng trong năm vừa qua (tăng 47% so với năm 2023). Hòa Phát hiện có 74 công ty con với 32.780 nhân viên. Năm 2024, tổng doanh thu thuần của Hòa Phát đạt 138.855 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 12.020 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% và 77% so với năm liền trước.
Một số doanh nghiệp tư nhân top đầu khác như Thế Giới Di Động (MWG), Tập đoàn FPT (FPT) cũng đang đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng tiền thuế và tạo ra hàng chục nghìn việc làm. Trong đó, Thế Giới Di Động đã nộp hơn 19.700 tỷ đồng tiền thuế vào năm 2024, trong khi FPT đóng góp hơn 9.200 tỷ đồng vào ngân sách trong cùng năm.
Các doanh nghiệp niêm yết lớn như Masan Group hay Vietjet Air lần lượt đóng góp trên 4.800 tỷ đồng và 3.000 tỷ đồng vào ngân sách Nhà nước trong năm 2024, đều tăng đáng kể so với năm 2023.
Bên cạnh những công ty đại chúng niêm yết đã khá quen thuộc như đã nêu ở trên, danh sách các tập đoàn tư nhân đa ngành nộp ngân sách lớn nhất hiện còn có sự góp mặt của một số tập đoàn chưa niêm yết đáng chú ý như Tập đoàn Trường Hải (Thaco Group - với mảng kinh doanh cốt lõi là THACO ô tô, bất động sản, bán lẻ, logistics, nông nghiệp), Tập đoàn thành Công (TC Group - kinh doanh ô tô, bất động sản, dịch vụ) hay BIM Group (bất động sản, năng lượng) và DOJI Group (bán lẻ, bất động sản, tài chính ngân hàng).
Trong đó, Thaco Group đã nhiều năm liền đóng góp vào ngân sách Nhà nước mỗi năm hàng chục nghìn tỷ đồng. Trong năm 2025, Thaco dự kiến nộp ngân sách tỉnh Quảng Nam khoảng 22.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2024.
Đồng hành cùng những mục tiêu lớn của đất nước
Để cùng đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng chung của cả nền kinh tế đạt ít nhất 8% trong năm 2025, tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng hai chữ số từ năm 2026, các doanh nghiệp cũng đang đặt ra mục tiêu tăng trưởng kép cho giai đoạn tiếp theo.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long trong lần đón tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất hồi tháng 2/2025 đã cam kết đưa doanh nghiệp tăng trưởng 15% mỗi năm, hưởng ứng mục tiêu tăng trưởng 2 con số của đất nước giai đoạn 2025-2030.
Trước đề nghị của Thủ tướng về việc tiếp tục nghiên cứu sản xuất thép chất lượng cao, đặc biệt sản xuất ray thép phục vụ đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc, đường sắt đô thị trong thời gian tới, ông Trần Đình Long khẳng định với năng lực hiện có, Hòa Phát đang hướng mạnh vào sản xuất các loại thép chất lượng cao góp phần thay thế hàng nhập khẩu. Hòa Phát tự tin đủ năng lực nghiên cứu sản xuất thép đường ray, thép làm trục bánh xe tàu hỏa, tàu cao tốc theo đặt hàng của Thủ tướng cũng như các loại thép chất lượng cao phục vụ cho các dự án trọng điểm quốc gia và xuất khẩu ra thế giới.
“Nhận nhiệm vụ của Thủ tướng giao sản xuất thép cho dự án đường sắt cao tốc, chúng tôi xin hứa danh dự sẽ làm sản phẩm đường ray và các loại thép cho dự án đảm bảo 4 yêu cầu. Một là đảm bảo về chất lượng, hai là đảm bảo về số lượng, ba là đảm bảo yêu cầu về tiến độ và bốn là khẳng định giá cả sẽ thấp hơn giá nhập khẩu'', Chủ tịch Hòa Phát nhấn mạnh.

Cùng được “đặt hàng” nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất toa tàu đường sắt tốc độ cao, tiến tới nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và sản xuất đầu máy, Chủ tịch HĐQT Thaco Group Trần Bá Dương cho biết, tập đoàn sẽ tập trung tham gia vào dự án đường sắt đô thị, đặc biệt là các toa tàu, các cấu kiện thép.
“Với lực lượng kỹ sư cũng như kinh nghiệm về nghiên cứu phát triển sản phẩm, hợp tác quốc tế, lãnh đạo tập đoàn Thaco cam kết sẽ có sự chuyển giao công nghệ hợp lý, tổ chức sản xuất tại chỗ nhằm giảm giá thành và sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá thành sản phẩm”, ông Trần Bá Dương nói tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp hồi tháng 2/2025.
Lãnh đạo Thaco cũng hứa sẽ đề cao tính hợp tác thông qua các dự án lớn, giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi sản xuất, cũng như liên kết để đặt hàng thép chế tạo theo đúng tiêu chuẩn của sản phẩm.
Liên quan đến việc thúc đẩy nền công nghiệp hỗ trợ phát triển, tại hội nghị trước đó, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup đã đề nghị Chính phủ có các cơ chế để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ để họ có đủ điều kiện ban đầu tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời, ông khẳng định VinFast sẵn sàng cam kết bao tiêu toàn bộ những linh kiện cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện cho VinFast.
Với mảng bất động sản cùng với phát triển các dự án bất động sản thương mại, Vingroup đang đẩy mạnh hiện thực hóa mục tiêu xây dựng 500.000 căn nhà ở xã hội. Nếu hoàn thành được cam kết lớn này, Vingroup sẽ có đóng góp đáng kể vào mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội mà Chính phủ đề ra.
Bên cạnh Vingroup, Hòa Phát hay Thaco, các tập đoàn tư nhân của Việt Nam với những lĩnh vực kinh doanh khác nhau cũng đang nỗ lực trở thành những đầu tàu trong mảng kinh doanh của mình, qua đó góp sức đưa nền kinh tế cùng tiến lên. Kỳ vọng với những đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân lớn, khối doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam sẽ ngày càng lớn mạnh, sớm đạt được những mục tiêu nêu ra tại Nghị quyết 68.