Trong báo cáo Già hóa lành mạnh ở châu Á: Báo cáo Chính sách Phát triển châu Á (Aging Well in Asia: Asian Development Policy Report), được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố ngày hôm nay (ngày 2/5) tại Hội nghị thường niên lần thứ 57 đánh giá, khu vực châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển chưa được chuẩn bị để bảo đảm phúc lợi cho dân số đang già hóa nhanh chóng của mình, khi ngày càng nhiều người cao tuổi trong khu vực phải đối mặt với những thách thức từ tỉ lệ bao phủ hưu trí thấp cho tới các vấn đề về sức khỏe, sự cô lập xã hội và hạn chế trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu.
Trong khi tuổi thọ dài hơn phản ánh thành tựu phát triển của khu vực, rất cần những cải cách chính sách để hỗ trợ phúc lợi của người cao tuổi.
ADB cho biết, dự kiến số người từ 60 tuổi trở lên ở châu Á và Thái Bình Dương đang phát triển sẽ tăng gần gấp đôi lên tới 1,2 tỉ người vào năm 2050 - tương đương một phần tư dân số, làm gia tăng nhanh chóng nhu cầu về lương hưu và các chương trình phúc lợi cũng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
Đồng thời, các nền kinh tế có cơ hội thu được “lợi tức bạc” dưới hình thức năng suất tăng thêm từ người lớn tuổi, yếu tố có thể giúp tăng tổng sản phẩm quốc nội của khu vực thêm trung bình 0,9%.
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Albert Park chia sẻ, sự phát triển nhanh chóng của châu Á và Thái Bình Dương là một câu chuyện thành công nhưng nó cũng thúc đẩy sự thay đổi nhân khẩu học to lớn và áp lực đang ngày càng gia tăng. Các chính phủ cần chuẩn bị từ bây giờ nếu muốn giúp hàng trăm triệu người dân châu Á và Thái Bình Dương già đi một cách lành mạnh. Các chính sách cần hỗ trợ đầu tư trọn đời vào y tế, giáo dục, kỹ năng và chuẩn bị sẵn sàng về tài chính cho việc nghỉ hưu. Các mối liên hệ gia đình và xã hội cũng rất quan trọng để mang lại dân số cao tuổi khỏe mạnh và có năng suất, cũng như tối đa hóa sự đóng góp của họ cho xã hội.
Theo báo cáo, 40% số người trên 60 tuổi tại châu Á và Thái Bình Dương không có bất kỳ hình thức lương hưu nào—trong đó phụ nữ bị ảnh hưởng lớn hơn do họ nhiều khả năng làm các công việc gia đình không được trả lương hơn.
Kết quả là, rất nhiều người lớn tuổi trong khu vực không có lựa chọn nào khác ngoài việc đi làm sau tuổi nghỉ hưu rất lâu để duy trì cuộc sống. Trong số những người vẫn đang làm việc ở độ tuổi 65 hoặc cao hơn, 94% làm việc trong khu vực phi chính thức, nơi thường không cung cấp các biện pháp bảo vệ cơ bản cho người lao động hoặc trợ cấp hưu trí.
Những thách thức về sức khỏe tinh thần và thể chất cũng gia tăng cùng tuổi tác. Khoảng 60% số người lớn tuổi ở châu Á và Thái Bình Dương không đi khám hoặc được kiểm tra sức khỏe định kỳ, trong khi 31% cho biết có các triệu chứng trầm cảm do bệnh tật, cô lập với xã hội và bất an về kinh tế. Phụ nữ lớn tuổi trong khu vực cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bệnh tật nhiều hơn nam giới, từ trầm cảm tới tiểu đường và cao huyết áp.
Báo cáo khuyến nghị một loạt các biện pháp chính sách để hỗ trợ quá trình già hóa khỏe mạnh và bảo đảm về kinh tế. Trong số đó có bảo hiểm y tế và các kế hoạch hưu trí do chính phủ hỗ trợ, cải thiện cơ sở hạ tầng y tế, kiểm tra sức khỏe và đánh giá lối sống định kỳ hàng năm miễn phí. Theo báo cáo, các nhà hoạch định chính sách cần hướng tới mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, trong khi mở rộng các biện pháp bảo vệ lao động cơ bản cho cả người lao động lớn tuổi ở khu vực phi chính thức.
Bằng cách quy định các độ tuổi nghỉ hưu bắt buộc linh hoạt hơn, giúp người lớn tuổi duy trì sức khỏe và cung cấp cho họ cơ hội việc làm phù hợp, cùng với học tập và phát triển kỹ năng suốt đời, các nền kinh tế trong khu vực có thể giúp người lớn tuổi làm việc năng suất trong thời gian dài hơn.
Báo cáo ADB