Bộ Thương mại Mỹ cho biết, tổng sản phẩm quốc nội (GDP), thước đo tất cả hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong nền kinh tế, đã ghi nhận mức tăng trưởng tính theo năm là -0,3% trong quý đầu tiên của năm 2025.

Đây là mức giảm mạnh so với mức 2,4% của quý IV/2024 và tệ hơn nhiều so với mức tăng trưởng 0,8% mà các nhà kinh tế dự đoán.
Cổ phiếu Mỹ đã giảm sau khi báo cáo GDP được công bố.
Chính quyền Tổng thống Trump đã có quyết định áp thuế quan trên quy mô lớn trong vài tháng qua, làm leo thang căng thẳng thương mại với một số nền kinh tế và khiến người Mỹ bất an. Hầu hết các nhà kinh tế cho rằng nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm định hình lại thương mại toàn cầu có khả năng khiến lạm phát tăng cao ở Mỹ và thậm chí gây ra suy thoái.
Theo thông báo của Bộ Thương mại, sự suy giảm của nền kinh tế vào đầu năm là do thâm hụt thương mại lớn hơn - kết quả của việc người Mỹ mua hàng trước để tránh thuế quan - và việc cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Nhập khẩu tăng vọt từ -1,9% trong quý IV/2024 lên 41,3% trong ba tháng đầu năm nay. Trong khi đó, xuất khẩu ghi nhận ở mức 1,8%.
Khi nhập khẩu vượt quá xuất khẩu, phần chênh đó sẽ trừ vào GDP và đó là lực cản lớn nhất đối với tăng trưởng trong quý đầu tiên. Chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu của quý I/2025 đã trừ vào GDP nhiều nhất trong các số liệu ghi lại từ năm 1947.
Cố vấn thương mại hàng đầu của Trump, Peter Navarro, gọi báo cáo GDP là "số liệu tiêu cực tốt nhất mà tôi từng thấy trong đời".
"Các thị trường cần phải nhìn sâu hơn bề mặt", ông Navarro cho biết hôm thứ Tư trong một cuộc phỏng vấn của CNBC, chỉ ra sự gia tăng mạnh mẽ trong đầu tư trong nước trong quý trước. Tuy nhiên, phần lớn trong số đó đến từ các doanh nghiệp tăng hàng tồn kho trước khi các mức thuế quan mới bị áp dụng, Bộ Thương mại cho biết.
Báo cáo cũng cho biết, chi tiêu của người tiêu dùng, đóng góp khoảng 70% cho nền kinh tế Mỹ, đã giảm mạnh trong quý I/2025 xuống mức 1,8%, giảm đáng kể so với mức 4% trong quý trước đó. Sự chậm lại đó phần lớn là do người Mỹ cắt giảm chi tiêu cho hàng hóa và là mức yếu nhất kể từ giữa năm 2023.
Chi tiêu của chính phủ cũng gây áp lực lên nền kinh tế, với chi tiêu của chính phủ liên bang giảm xuống -5,1% từ mức 4% trong cùng kỳ.
Trong khi đó, các doanh nghiệp thực sự đã tăng chi tiêu, dường như để đón đầu các đợt tăng giá dự kiến xuất phát từ chính sách thuế quan của Tổng thống Trump. Đầu tư kinh doanh trong quý đầu tiên đã tăng với tốc độ 9,8%, tăng mạnh so với mức -3% trong quý IV/2024. Tổng đầu tư trong nước tư nhân là 21,9% trong quý I, mức cao nhất kể từ cuối năm 2021.
Stephen Miran, chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, nói rằng sự gia tăng trong đầu tư kinh doanh "không phải là điều các công ty làm khi họ lo ngại về triển vọng kinh tế".
Về sức mua hàng hóa, doanh số bán hàng giảm giá sâu cho người mua trong nước tư nhân - một thước đo chính về nhu cầu cơ bản trong nền kinh tế - đã tăng tốc lên 3% trong quý đầu tiên từ mức 2,9% trong quý IV/2024.
Nhà Trắng chỉ ra con số đó là dấu hiệu của "động lực kinh tế cơ bản mạnh mẽ diễn ra sau lễ nhậm chức của Tổng thống Trump".
Báo cáo cũng cho thấy lạm phát đã tăng mạnh hơn dự kiến trong quý đầu tiên của năm 2025. Theo báo cáo, chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) ước tính tăng 3,6% trong quý, tăng so với mức 2,4% trong quý IV/2024. Không tính giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số PCE cốt lõi đã tăng 3,5% so với mức 2,6% của quý trước.
Mặc dù báo cáo GDP mới nhất chỉ ra nền kinh tế yếu hơn nhiều so với năm ngoái, nhưng điều đó không có nghĩa là người Mỹ đang phải vật lộn với suy thoái ngay lúc này.
Suy thoái về mặt kỹ thuật được định nghĩa là sự co lại trên diện rộng của nền kinh tế — bao gồm thị trường lao động, chi tiêu của người tiêu dùng, hoạt động công nghiệp và đầu tư kinh doanh — kéo dài hơn một vài tháng. Và mặc dù có vẻ như đang có suy thoái, theo các cuộc thăm dò và khảo sát, nền kinh tế Mỹ vẫn trong tình trạng tốt trên một số mặt trận quan trọng.
Tỷ lệ thất nghiệp vẫn tương đối thấp, ở mức 4,2% tính đến tháng 3 — các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư vào hoạt động của mình và người tiêu dùng vẫn chưa rút lui khỏi chi tiêu theo bất kỳ phương diện nào, theo dữ liệu của chính phủ.
Tuy nhiên, nền kinh tế có thể nhanh chóng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là nếu Tổng thống Trump tăng cường áp thuế quan.
Gregory Daco, nhà kinh tế trưởng tại Ernst & Young, nói: "Tôi không nghĩ chúng ta có thể gọi là suy thoái kinh tế từ dữ liệu này ngay bây giờ nhưng đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang ở bờ vực mong manh, ở đó nếu thuế quan càng kéo dài thì khả năng chúng ta rơi vào suy thoái kinh tế càng cao".
Một báo cáo riêng được công bố vào thứ Tư cho thấy sự sụt giảm mạnh trong việc tuyển dụng của các doanh nghiệp trong khu vực tư nhân Mỹ, điều này không phải là dấu hiệu tốt cho tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Theo báo cáo hàng tháng mới nhất của công ty cung cấp dịch vụ tính lương ADP được công bố vào sáng thứ Tư, các nhà tuyển dụng chỉ bổ sung được 62.000 việc làm trong tháng 4. Con số này thấp hơn nhiều so với 147.000 việc làm được bổ sung vào tháng 3.
"Sự bất an là từ ngữ của ngày hôm nay. Các nhà tuyển dụng đang cố gắng dung hòa chính sách và sự không chắc chắn của người tiêu dùng với một loạt dữ liệu kinh tế chủ yếu là tích cực", Nela Richardson, nhà kinh tế trưởng tại ADP, cho biết trong một tuyên bố. "Có thể khó đưa ra quyết định tuyển dụng trong một môi trường như vậy".
Một nguyên tắc chung để xác định suy thoái là hai quý liên tiếp có GDP âm, điều này vẫn chưa xảy ra.
Lần cuối cùng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái là vào năm 2020, chỉ kéo dài hai tháng với nguyên nhân chính là từ đại dịch COVID-19. Trước đó, đó là cuộc Đại suy thoái, kéo dài từ tháng 12/2007 đến tháng 6/2009 và là cuộc suy thoái kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Đại suy thoái đầu những năm 1930.