
Trong bối cảnh Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 136,6 tỷ USD trong năm 2024 thì chính sách thuế quan đối ứng mà Tổng thống Trump công bố không chỉ ảnh hưởng đến các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày, điện tử, gỗ và thủy sản, mà còn tạo áp lực lớn lên tỷ giá và lãi suất trong nước.
Theo đó, mức thuế 46% sẽ làm tăng giá hàng hóa Việt Nam tại thị trường Mỹ, khiến sức cạnh tranh giảm đáng kể so với các quốc gia khác như Trung Quốc (thuế 34%), Ấn Độ hay Mexico (thuế thấp hơn). Điều này có thể dẫn đến giảm kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ, ước tính từ 20%-30% hoặc hơn, tùy thuộc vào khả năng chuyển hướng sang các thị trường khác.
Với Mỹ chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, xuất siêu giảm sẽ gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ, đặc biệt là USD. Trong năm 2024, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ đạt khoảng 123,5 tỷ USD (xuất khẩu 136,6 tỷ USD, nhập khẩu 13,1 tỷ USD). Khi xuất khẩu giảm, cán cân thương mại thu hẹp, nguồn USD (dòng vào) sẽ suy yếu.
Chuyên gia cho rằng việc Mỹ áp thuế qua lại lên đến 46% đối với hàng hóa từ Việt Nam, nếu có hiệu lực vào ngày 9/4/2025, sẽ tạo ra những tác động sâu rộng đến nền kinh tế Việt Nam trên nhiều khía cạnh như xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế, tỷ giá, lạm phát và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Việt Nam có thể phải tăng nhập khẩu từ Mỹ để giảm thặng dư thương mại (123,5 tỷ USD năm 2024), nhằm xoa dịu áp lực thuế quan. Tuy nhiên, điều này sẽ làm gia tăng chi phí nhập khẩu, đặc biệt với các mặt hàng công nghệ và nguyên liệu sản xuất. Xuất khẩu giảm, nhập khẩu tăng sẽ khiến thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ bị thu hẹp đáng kể, có thể khiến tổng xuất siêu của Việt Nam giảm từ mức 24,77 tỷ USD (2024) xuống thấp hơn, gây áp lực lên nguồn cung ngoại tệ.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Lưu Hưng, Giám đốc SSI Research, VND đã giảm giá dần trong thời gian trước, tạo ra một "bộ đệm" nhất định, nên áp lực tỷ giá trong ngắn hạn có thể không quá nghiêm trọng.
Tỷ giá tăng thường đi kèm với áp lực lạm phát, đặc biệt khi Việt Nam phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Nếu VND mất giá, chi phí nhập khẩu tăng, đẩy giá hàng hóa trong nước lên, từ đó tạo áp lực lên lạm phát. Để kiểm soát lạm phát và giữ giá trị VND, Ngân hàng Nhà nước có thể buộc phải tăng lãi suất điều hành. Điều này trái ngược với xu hướng giảm lãi suất trong thời gian gần đây nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế.
Vì vậy, dù đánh giá chính sách thuế đối ứng của Mỹ sẽ tác động đến tỷ giá, lãi suất và tăng trưởng tín dụng, nhưng các chuyên gia cho rằng Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa điều hành chính sách tiền tệ. Cụ thể, nhà điều hành sẽ giảm lãi suất, kiểm soát cung tiền để ổn định tỷ giá, lạm phát.
Các tổ chức tín dụng cũng dự báo mặt bằng lãi suất huy động vốn bình quân toàn hệ thống duy trì ổn định trong quý II và chỉ tăng 0,02% đối với các kỳ hạn trên 6 tháng, tăng 0,17% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống trong cả năm 2025. Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống được dự báo tiếp tục giảm nhẹ 0,03 - 0,08% trong quý II và cả năm nay..
Cũng theo VCBS, các yếu tố ổn định vĩ mô như: lạm phát, tỷ giá và lãi suất vẫn sẽ được đảm bảo, song tỷ giá có thể chịu áp lực nhất định trong thời gian tới.
VCBS vẫn kỳ vọng chính sách tiền tệ có thể được điều hành theo chiều hướng tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ các doanh nghiệp và hướng tới mục tiêu tăng trưởng bền vững. Khác với một số quốc gia có động thái trả đũa ngay lập tức, hiện Việt Nam lựa chọn cách tiếp cận thận trọng và cân nhắc dài hạn, tránh căng thẳng thương mại và không trả đũa ngay lập tức.