Tại sao giá dầu không tăng nóng? Trung Đông đang căng thẳng địa chính trị. Những con tàu đi qua khu vực Biển Đỏ, khu vực chiếm khoảng 12% tổng lưu lượng dầu của toàn thế giới, hiện đang bị tấn công bởi lực lượng Houthi. Nhóm các nước sản xuất dầu lớn của thế giới (OPEC) và các nước liên minh hiện đang hạn chế sản xuất.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hiện đang liên tưởng tình hình hiện tại với thời kỳ năm 1973 khi mà cuộc chiến tranh Yom Kippur dẫn đến lệnh cấm xuất khẩu dầu Arab khiến cho giá dầu tăng gấp bốn lần trong vòng chỉ ba tháng.
Tuy nhiên thị trường dầu dường như vẫn bình ổn, giá dầu chủ yếu dao động trong khoảng từ 75 đến 85USD/thùng. Đóng cửa quý đầu tiên của năm, giá dầu ở mức 78USD/thùng, giảm 4USD/thùng so với thời điểm đầu năm.
Có ba lý do đằng sau việc nhà đầu tư tin rằng xu thế bình ổn của giá dầu sẽ vẫn tiếp diễn trong năm 2024:
Thứ nhất, nguồn cung dầu toàn cầu hiện vẫn đang ở ngưỡng ổn định. Hoạt động sản xuất dầu hiện tại không tập trung ở khu vực Trung Đông nhiều như suốt hơn 50 năm qua. Tỷ trọng cung cấp dầu của khu vực này đã giảm từ 37% vào năm 1974 xuống còn 29% ở thời điểm hiện nay.
Một phần nguyên nhân của điều này là bởi việc hoạt động sản xuất dầu đá phiến tăng trưởng bùng nổ trong thập niên 2010, Mỹ từ một nước nhập khẩu dầu thô lớn của thế giới đã chuyển thành nước xuất khẩu dầu lớn lần đầu tiên tính từ năm 1949.
Ngoài ra, nguồn cung dầu thô từ những nước ngoài OPEC ví như Guyana cũng đang giúp đa dạng hóa nguồn cung. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhấn mạnh rằng những nguồn năng lượng mới, kết hợp với nguồn cung bổ sung từ Mỹ và Canada sẽ đóng góp quan trọng vào tăng trưởng nhu cầu toàn cầu năm 2024.
Cùng lúc đó, nguồn cung dầu từ Nga, nước sản xuất dầu lớn thứ 3 trên thế giới, vẫn tiếp tục ổn định bất chấp các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Vào năm 2022, chính quyền các nước phương Tây áp dụng biện pháp hạn chế giá dầu Nga chỉ được bán ra thị trường ở mức 60USD/thùng. Nhiều nhà kinh doanh dầu tại Dubai và Singapore đã ngay lập tức chuyển hướng tàu chở dầu sang tuyến qua Ấn Độ, họ thay đổi các lịch trình đã có bằng sự linh hoạt chóng mặt. Dầu Nga hiện đang được giao dịch trên ngưỡng giá hạn chế của phương Tây.
Một lý do khác đằng sau sự bình ổn trên thị trường năng lượng chính là năng lực sản xuất thừa của các thành viên OPEC còn rất cao. Khi sản xuất năng lượng gần đạt công suất tối đa, như thời kỳ thập niên 2000, các nước xuất khẩu dầu không còn năng lực ứng phó khi nhu cầu dầu tăng, chính vì vậy giá dầu tăng vọt.
Giờ đây tình hình đã khác trước rất nhiều. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ước tính các thành viên chủ chốt trong OPEC+ có công suất thừa ước tính khoảng 4,5 triệu thùng dầu, lớn hơn tổng sản lượng hàng ngày của OPEC. Chính vì vậy, hoạt động sản xuất dầu có thể nhanh chóng điều chỉnh để thích nghi khi nhu cầu tăng cao.
Yếu tố nhu cầu cũng đang ảnh hưởng đến thị trường. Thế giới đang có nhu cầu cao với dầu. EIA dự báo nhu cầu dầu sẽ lập kỷ lục trong năm 2023 và sẽ cao hơn nữa trong năm 2024, nhờ vào tăng trưởng kinh tế tại Ấn Độ.
Tuy nhiên giá dầu cũng sẽ không vì vậy mà tăng quá cao. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu hiện không cao như thập niên 2000. Những thay đổi về cấu trúc trong nền kinh tế cũng khiến cho nhu cầu dầu khó cao. Ví dụ trong năm sau, khoảng 50% ô tô bán ra tại Trung Quốc sẽ là ô tô điện.
Theo Reuters, Economist