Sáng 18/3, trả lời chất vấn trước quốc hội liên quan đến đề kiểm toán có sai phạm, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, vừa qua có hiện tượng sai phạm trong kiểm toán độc lập ở một số các vụ án hình sự.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, các vi phạm trên liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm: năng lực của cán bộ kiểm toán ở các công ty kiểm toán, tinh thần trách nhiệm của những cán bộ làm công tác kiểm toán trực tiếp, không loại trừ trường hợp cấu kết cố tình vi phạm pháp luật để làm sai.
“Như tại vụ SCB, rõ ràng những công ty kiểm toán hàng đầu thế giới, đều là Big 4 như E&Y, Deloitte,…3 trên Big 4 đều tham gia kiểm toán nhưng đều có vi phạm, rõ ràng, cái này là do kiểm toán viên chứ không phải là do công tác quản lý”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá.
Báo cáo kiểm toán của Công ty Kiểm toán KPMG Việt Nam công bố tháng 5/2023 xác định, SCB âm vốn chủ sở hữu hơn 443.000 tỷ đồng.
KPMG Việt Nam cũng là công ty kiểm toán báo cáo tài chính của SCB trong các năm 2020, 2021. Tuy nhiên trong các báo cáo kiểm toán năm 2020 và soát xét 6 tháng đầu năm 2022, KPMG chỉ nhấn mạnh việc SCB đang thực hiện đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu. Kiểm toán viên của KPMG cho rằng báo cáo tài chính của SCB đã phán ánh trung thực và hợp lý, trên các khía cạnh trọng yếu, tình hình tài chính hợp nhất của ngân hàng.
Trước KPMG Việt Nam, hai công ty kiểm toán danh tiếng khác là Deloitte Việt Nam và Ernst & Young Việt Nam đều từng kiểm toán báo cáo tài chính cho SCB. Cụ thể, giai đoạn 2012-2016 là Ernst & Young Việt Nam kiểm toán cho SCB. Giai đoạn 2017-2019 là Deloitte Việt Nam. Từ 2020-2022 là KPMG Việt Nam.
Trong vòng 10 năm kiểm toán cho báo cáo tài chính của SCB, các kiểm toán viên tại 3 công ty trên dường như không phát hiện điều gì bất thường của ngân hàng. Các kỳ báo cáo phần lớn đều là “không thấy có vấn đề gì”, “phản ánh trung thực”, phù hợp với chuẩn mực kế toán...
Chỉ có tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2012 và báo cáo soát xét bán niên 2013, Ernst & Young Việt Nam chỉ lưu ý một số vấn đề, trong đó có nhắc tới thanh khoản ngân hàng.
Cụ thể, kiểm toán viên có lưu ý trong thuyết minh 41.3 về rủi ro thanh khoản, tại ngày 30/6/2012 ngân hàng có các khoản nợ khác đã quá hạn, gồm: Tiền gửi, vay các tổ chức tín dụng và các khoản nợ khác. Ngân hàng cũng có một khoản phải thu đã quá hạn nhưng chưa thu hồi được gây ra những khó khăn về thanh khoản và hoạt động kinh doanh.
Với báo cáo tài chính năm 2021, kiểm toán viên của KPMG Việt Nam chỉ nêu vấn đề nhấn mạnh, lưu ý người đọc các thuyết minh liên quan phân loại nợ, dự phòng và khoản lãi dự thu phát thuộc đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2019-2020.
Trong khi đó, sau khi Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, cơ quan điều tra đã cho xác minh, đánh giá thực trạng tài chính của SCB.
Cụ thể, theo công bố, thực trạng tài chính của SCB tại 30/6/2017 có tỷ lệ nợ xấu đến 20,92% trong khi so với SCB báo cáo chỉ 0,61%; tỷ lệ an toàn vốn riêng lẻ CAR 6,5% trong khi so với số SCB báo cáo là 10,06%; tỷ trọng dư nợ cho vay bất động sản/tổng dư nợ 62,95% trong khi số SCB báo cáo 55% (quy định của Ngân hàng Nhà nước cho phép không quá 55%)…