Mới đây, trong Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đặt ra nhiệm vụ cho các bên phải đạt hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa, gạo trong bối cảnh những thị trường lớn vẫn tăng nhập khẩu gạo. Đồng thời, Sửa đổi bổ sung Nghị định 107 và để chấm dứt tình trạng thương lái bỏ cọc như trong thời gian qua cần đưa họ vào chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo.
Mặc dù giá lúa ở đồng bằng sông Cửu Long đã ổn định lại nhưng câu chuyện giá lúa giảm thương lái bỏ cọc ngay khi lúa Đông Xuân ở đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch như vừa qua đặt ra yêu cầu cần có giải pháp ổn định ngành hàng. Nếu không, ngành lúa gạo sẽ mất cơ hội xuất khẩu, không đảm bảo được lợi ích cho người nông dân và doanh nghiệp.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (XNK) - Bộ Công Thương cho rằng, sự liên kết giữa thương lái với một bên là doanh nghiệp, một bên là bà con nông dân thì vai trò của họ ràng buộc về mặt quyền lợi cũng như nghĩa vụ, vì vậy, cần phải có những xem xét thấu đáo hơn để làm sao đưa thương lái vào trong chuỗi cung ứng và hỗ trợ cũng như đảm bảo quyền lợi cho họ trong chuỗi ngành hàng.
Theo Cục Xuất khẩu khẩu (XNK) – Bộ Công Thương, có nhiều dự báo, giá gạo sẽ còn tăng trong năm 2024 do nguồn cung bị thắt chặt, trong khi đó, nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia có xu hướng gia tăng, cụ thể, thương mại gạo toàn cầu tiếp tục chịu tác động từ việc Ấn Độ thực hiện chính sách tạm ngừng xuất khẩu gạo, cùng với đó, nguồn cung gạo toàn cầu được dự báo sẽ không còn dồi dào khi nguồn cung chính chiếm tới 40% sản lượng toàn cầu là Ấn Độ sẽ giảm 4 triệu tấn so với niên vụ trước, chỉ còn 132 triệu tấn; các thị trường khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia,… cũng được dự báo giảm sản lượng do tác động của hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, tín hiệu khả quan trong dự báo nhập khẩu vẫn xuất hiện tại các thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines, Trung Quốc; các thị trường Việt Nam có lợi thế với các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết như khối EU, Hàn Quốc, Nhật Bản; hay các thị trường phát triển có nhiều tiềm năng như Hoa Kỳ hay các quốc gia Trung Đông.
Báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) nhận định, nhập khẩu gạo của Philippines năm 2024 có thể vượt 4 triệu tấn do dự đoán sản lượng lúa sẽ giảm. Báo cáo cũng cho biết: Sản lượng gạo toàn cầu được dự báo cao hơn trong tháng này chủ yếu nhờ vụ mùa lớn hơn ở Ấn Độ. Tổng nhập khẩu được dự báo cao hơn chủ yếu do tăng ở Indonesia và Philippines. Xuất khẩu gạo tăng ở Pakistan, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia.
Theo USDA, Indonesia có thể tăng lượng mua gạo thêm 1,6 triệu tấn trong năm nay những lo ngại về sản xuất liên quan đến El Nino, lạm phát giá lương thực gia tăng và cuộc bầu cử vào năm 2024 đã khiến nhập khẩu gạo của Indonesia tăng lên. El Nino đã góp phần làm giảm sản lượng trong nước và trì hoãn vụ thu hoạch chính vụ sắp tới, thúc đẩy giá nội địa tăng cao.
Trong nỗ lực kiềm chế lạm phát giá lương thực, Bulog đã tăng cường phân phối gạo trợ cấp vào năm 2023, tìm cách hỗ trợ những nhóm dân dễ bị tổn thương nhất và kiềm chế giá trước cuộc bầu cử năm 2024.
Trung Quốc mất vị trí nhà nhập khẩu lớn thứ hai
Số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho biết, 2 tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo tăng 20,4% về lượng, tăng 55,7% về kim ngạch và tăng 29,4% về giá so với 2 tháng năm 2023, đạt gần 1,08 triệu tấn, tương đương trên 735,58 triệu USD, giá trung bình 684,2 USD/tấn.
Top 5 thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam hiện nay gồm: Philippines, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc và Singapore.
Theo đó, Philippines vẫn duy trì là điểm đến số 1 của gạo Việt Nam, chiếm 46,5% trong tổng lượng và chiếm 45,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước, đạt 500.195 tấn, tương đương 337,05 triệu USD, giá 673,8 USD/tấn, tăng 24,4% về lượng, tăng 64,7% về kim ngạch và tăng 32,3% về giá so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù Indonesia tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam nhưng vẫn chỉ là thị trường đứng thứ 2 sau Philippines, đạt 219.165 tấn, tương đương 141,69 triệu USD, so với cùng kỳ tăng 52,4% về lượng, tăng 110,5% kim ngạch, chiếm 20,4% trong tổng lượng và chiếm 19,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 646,5 USD/tấn, tăng 38% về giá so với 2 tháng đầu năm ngoái.
Thị trường Malaysia đứng thứ 3 với lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 38.257 tấn, trị giá 24,7 triệu USD, tăng 112,3% về lượng, tăng 145,3% kim ngạch chiếm trên 3% trong tổng lượng và tổng kim ngạch. Giá xuất khẩu giá trung bình 645,6 USD/tấn và tăng 15,5% về giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đạt 19.454 tấn, đạt giá trị 11,287 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2023 giảm 87,25% về lượng và giảm 87,46% về kim ngạch. Do sụt giảm mạnh về khối lượng và kim ngạch nhập khẩu nên từ là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam trong nhiều năm liền giờ Trung Quốc rơi xuống vị trí thứ 4.
Thị trường thứ 5 là Singapore với lượng gạo xuất khẩu trong 2 tháng qua đạt 19.517 tấn, trị giá 13,290 triệu USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 11,91% về lượng, và tăng 37,49% về giá trị.