Cước vận tải trước khi xảy ra khủng hoảng ở biển Đỏ chỉ khoảng 750 USD/container, nhưng nay đã tăng lên đến 6.800 USD/container. Bên cạnh đó, chi phí nhiên liệu và bảo hiểm cũng tăng cao đặt ra thách thức chưa từng có đối với ngành hàng hải nói chung và hoạt động vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez nói riêng. Năm nay, khối lượng vận chuyển hàng hóa qua kênh đào Suez tính đến ngày 13/2/2024 đã giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRICE cho biết, thời gian qua gạo 5% xuất khẩu giảm giá khá sâu, nhưng đối với các loại gạo cao cấp đi châu Âu, Trung Đông, … giá bán vẫn ổn định, tuy nhiên do căng thẳng biển Đỏ cước tàu tăng rất cao nên giao dịch chậm lại.
Thị trường xuất khẩu chính của VRICE là châu Âu và Trung Đông nên khi có biến động về giá cước và thời gian vận chuyển buộc công ty kéo giãn thời gian giao hàng để xem tình hình như thế nào, dù ở đồng bằng sông Cửu Long đang là thời điểm thu hoạch lúa Đông Xuân nhưng công ty đem lúa về trữ trong kho chứ chưa thể giao cho khách đúng hạn như trong hợp đồng. Mặt khác, để tránh rủi ro công ty buộc phải thu tiền khách hàng gần đủ rồi mới giao hàng, không như trước đây giao hàng trước thu tiền sau.
Xuất khẩu gạo sang các thị trường cao cấp như châu Âu đang có hai vấn đề, đó là hàng của Việt Nam dễ vướng dư lượng thuốc trừ sâu, khả năng bị trả về cao, và đa số hàng đi châu Âu phải đi qua biển Đỏ để tiết kiệm chi phí và thời gian. Tuy nhiên, do khủng hoảng biển Đỏ nên phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, Nam Phi khiến thời gian tăng thêm từ 2 đến 3 tuần và đặc biệt là chi phí tăng tăng gấp đôi.
“Trước tình hình này các nhà nhập khẩu gạo châu Âu không muốn ký thêm hợp đồng mới với doanh nghiệp Việt Nam mà chuyển qua mua hàng các nước khác có thời gian vận chuyển nhanh hơn và chi phí thấp hơn, khiến các doanh nghiệp xuất hàng đi châu Âu đang gặp bất lợi”, ông Có nói.
Bên cạnh đó, tuy giá gạo xuất khẩu đi các thị trường cao cấp không giảm nhưng năm nay lúa Đông Xuân bị nhiễm rầy trắng, muỗi hành và bệnh vàng lá chín sớm khá nặng, để trị bệnh vàng lá chín sớm người nông dân sử dụng các loại thuốc có tính lưu dẫn nên thời gian tồn trữ trong hạt gạo khá lâu, khiến phần lớn gạo đi châu Âu dính dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do vậy, bắt buộc các doanh nghiệp phải kiểm tra kỹ lưỡng nếu không khả năng hàng bị trả về rất cao.
“Đã từng bị trả hàng về nên chúng tôi rất có kinh nghiệm trong vấn đề này. Ngoài ra, thời gian vận chuyển đi châu Âu rất dài và do ảnh hưởng biến đổi khí hậu nên đôi khi kiểm tra ở Việt Nam đạt ngưỡng nhưng đến cảng châu Âu thì có sự biến động do thực phẩm lâu ngày sẽ tự lên men, sản sinh ra các loại nấm hoặc gây ra một số chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Gạo xuất khẩu đi châu Âu bắt buộc phải hun trùng, khi đạt yêu cầu và được đơn vị chức năng cấp giấy chứng nhận mới được xuất khẩu”, ông Có nói.
Thời gian vận chuyển trên biển thường kéo dài, đối với nhóm hàng xuất khẩu chính như nông sản (gạo, chè, cà phê, hạt điều …) hay bất cứ hàng hóa nào có kiện hàng đóng gói bằng gỗ trong quá trình vận chuyển đều dễ phát sinh nấm mốc, mối mọt… Quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt của hải quan ở cảng đến áp dụng cho hàng hóa nhập khẩu vào châu Âu, Mỹ, Canada và Úc. Do vậy, hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đi các nước phải chịu rất nhiều quy định của hải quan ở cảng đến để nhà nhập khẩu có thể làm thủ tục để thông quan lô hàng. Một trong những quy định đó là việc hun trùng (fumigation) hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cho một số mặt hàng cụ thể, đặc biệt là mặt hàng gạo, nếu các lô hàng nhập khẩu không tuân thủ quy định này sẽ phải đối mặt với mức phạt nặng nề.
Trong khi đó, gạo xuất khẩu phải đi đường xa và đưa vào kho dự trữ nên hầu hết nhà nhập khẩu đều bắt buộc bên bán là các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất gạo cho đối tác đều phải hun trùng các lô gạo để chống nấm mốc, mối mọt,… nếu không Trung tâm Kiểm dịch vùng 3 sẽ không cấp chứng thư lô hàng đủ điều kiện xuất khẩu, đối với các thị trường cao cấp khách hàng còn xét tới dư lượng hóa chất độc hại tồn dư trong gạo.