Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam – CTCP (ACV; UPCoM: ACV) vừa công bố BCTC hợp nhất quý 2/2024, ghi nhận nợ xấu của công ty “phình to” hơn 45% so với hồi đầu đầu năm, lên 8.256 tỷ đồng. Trong đó, nợ xấu ngắn hạn là 8.253 tỷ đồng, chiếm 99,97% tổng nợ xấu của ACV.
Cụ thể, “con nợ” chiếm tỷ lệ nợ xấu lớn nhất của ông lớn cảng hàng không ACV là Tổng Công ty hàng không Việt Nam – CTCP (Vietnam Airlines; HoSE: HVN) với số tiền 3.044 tỷ đồng, tăng gần 2.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Hiện ACV đã trích lập dự phòng 385 tỷ đồng cho khoản nợ xấu của Vietnam Airlines, tương ứng tỷ lệ bao phủ nợ xấu là 12,65%.
Theo sau là Công ty CP Hàng không Tre Việt – Bamboo Airways với khoản nợ xấu hơn 2.265 tỷ đồng ở ACV, tăng hơn 165 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Đáng chú ý, ACV đã trích lập dự phòng 100% khoản nợ xấu của Bamboo Airways, tương ứng số tiền 2.265 tỷ đồng.
Trước đó, vào hồi đầu năm Bamboo Airways là “con nợ” chiếm tỷ lệ nợ xấu lớn nhất tại ACV.
Tiếp đó, là Công ty CP Hàng Không VietJet (VietJet Air; HoSE: VJC) với khoản nợ 1.702 tỷ đồng, tăng gần 500 tỷ đồng so với đầu năm. Gây chú ý là ACV không còn trích lập bất kỳ một đồng nào cho khoản nợ xấu của VietJet Air, con số này ở đầu năm là 360 tỷ đồng.
Ngoài ra, Công ty CP hàng không Pacific Airlines (Pacific Airlines) nợ 880 tỷ đồng (tỷ lệ bao phủ nợ xấu 100%), Công ty Hàng không Lữ Hành Việt Nam (Vietravel Airlines) nợ 325 tỷ đồng (tỷ lệ bao phủ nợ xấu 100%), Công ty CP Hàng không Mê Kông - Air Mekong nợ 25,9 tỷ đồng (tỷ lệ bao phủ nợ xấu 100%), …
Như vậy, có thể thấy, theo tỷ lệ bao phủ nợ xấu của ACV, các khoản nợ của Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines và Air Mekong đang là các khoản nợ xấu mà ông lớn cảng hàng không này liệt vào danh sách “đen” – khó đòi.
Trong khi, các khoản nợ của Vietnam Airlines và VietJet Air được liệt vào danh sách có khả năng trả nợ khả thi hơn. Đặc biệt là trường hợp của VietJet Air, khi ACV đã đưa trích lập dự phòng khoản nợ của Hãng hàng không này về Zero vào cuối tháng 6/2024.
Vừa qua, trao đổi với Marketimes.vn về các khoản nợ, đại diện ACV cho biết, hiện tại, các hãng hàng không đang sử dụng dịch vụ mà ACV cung cấp gồm: chi phí hạ cất cánh, phí an ninh soi chiếu, dịch vụ hành khách... các chi phí được tính và thu hộ trong vé máy bay của từng hãng. Ví dụ, trong cơ cấu vé máy bay, hãng bay đang thu hộ phí dịch vụ cảng và soi chiếu an ninh 120.000 đồng/khách với bay nội địa và 25 USD/khách bay quốc tế.
Đối với mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam có cách tính khác nhau nhưng cũng đều là phí thu hộ.
Như vậy, hành khách đi máy bay phải chịu các khoản phí, dịch vụ này và các hãng hàng không là người thu hộ (gọi chung là phía sân bay), sau đó phải hoàn trả tiền phí dịch vụ cho ACV. Tuy nhiên, nhiều hãng bay có dấu hiệu chiếm dụng số tiền thu hộ, chây ì trả cho ACV.
Chia sẻ về vấn đề này, ACV cho biết, trong thời gian qua, chúng tôi đã có nhiều văn bản đốc thúc các hãng hãng không trả nợ nhưng đến nay vẫn "Dậm chân tại chỗ". Vì thế, ACV đang tính tới áp dụng các biện pháp quyết liệt hơn để thực hiện chế tài xử lý các hãng hàng không vi phạm hợp đồng.
Về kết quả kinh doanh, quý 2/2024, ACV ghi nhận doanh thu thuần tăng trưởng mạnh đạt 5.535 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế báo lãi kỷ lục đạt 3.228 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2024, ACV ghi nhận doanh thu thuần đem về 11.178 tỷ đồng, tăng 15,74% so với cùng kỳ. Trừ giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp đem về 7.059 tỷ đồng, tăng 19,75% - tương ứng tăng hơn 1.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 6.148 tỷ đồng, tăng 44,9% so với cùng kỳ năm trước.