Ngày 2/1/2024, Hội đồng trọng tài lập Phán quyết trọng tài xác định Coteccons phải thanh toán cho Boho Decor khoản nợ gốc gần 22 tỷ đồng.
Sau gần 1 năm Boho khởi kiện, Phán quyết trọng tài yêu cầu Coteccons trả nợ
Được biết, Boho Decor là công ty chuyên sản xuất, thiết kế và thi công nội thất nằm trong hệ sinh thái các doanh nghiệp ngành xây dựng của ông Nguyễn Bá Dương cùng với Newtecons, Ricons, SOL E&C, BM Windows... Công ty do ông Nguyễn Minh Hoàng - con trai ông Dương - làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật.
Diễn biến vụ việc, trong giai đoạn 2019- 2022, Coteccons và Boho đã ký kết và thực hiện các hợp đồng mà trong đó Boho là nhà thầu phụ cho Coteccons về thiết kế, cung cấp và thi công hoàn thiện nội thất tại các công trình đầu tư xây dựng (giai đoạn do nhóm lãnh đạo cũ của Coteccons thực hiện).
Được biết, công nợ của các bên đã được xác nhận tại Thư xác nhận số dư công nợ đến ngày 31/12/2022 của phía Coteccons gửi đến Boho và trong năm 2023, Boho gửi 4 công văn đến Coteccons yêu cầu thanh toán nợ quá hạn.
Tháng 4/2023, Boho gửi đơn khởi kiện lên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). Sau một quá trình xử lý, đến tháng 1/2024, VIAC ra Phán quyết trọng tài yêu cầu Coteccons thanh toán cho Boho tổng cộng hơn 27 tỷ đồng, trong đó có 21,5 tỷ đồng nợ gốc.
Ngày 2/2/2024, Coteccons nộp đơn tại tòa án TP.HCM yêu cầu hủy Phán quyết trọng tài. Đến ngày 19/7, Coteccons đã nhận được Quyết định của Tòa án Nhân dân TP.HCM bác yêu cầu của Coteccons và yêu cầu thực hiện Phán quyết trọng tài.
Trong văn bản gửi đến truyền thông trong tuần vừa qua, Coteccons cho rằng "những hồ sơ gửi kèm yêu cầu thanh toán của Boho không đủ cơ sở pháp lý và không thể xác định được số tiền cần thanh toán. Các hợp đồng được ký là giao dịch với các bên liên quan nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật doanh nghiệp và Luật chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán cũng đã có quyết định xử phạt vi phạm đối với những giao dịch của các bên liên quan diễn ra trong thời gian nói trên".
Dù vậy, công ty này cho biết sẽ chấp hành thực hiện theo nội dung quyết định của cơ quan có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật.
Lùm xùm với Ricons
Cotecocons còn vướng "lùm xùm" với một “người nhà” cũ là Ricons.
Cụ thể, hồi cuối tháng 7/2023, Ricons nộp đơn yêu cầu Tòa án Nhân dân Tp.HCM mở thủ tục phá sản đối với Coteccons do chưa thanh toán công nợ hơn 322,5 tỷ đồng.
Nói về điều này, Coteccons thừa nhận có sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, liên quan đến các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khỏan phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai công ty.
“Nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 07 Công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho”, văn bản lúc bấy giờ của Coteccons ghi.
Hiện, Tòa án đã bác đơn yêu cầu phá sản với Coteccons của Ricons. Theo Báo cáo tài chính tính đến thời điểm 31/3/2024, Ricons vẫn ghi nhận khoản phải thu với Coteccons trị giá 322,5 tỷ đồng.
Nhận nhiều “tin buồn”
Về Coteccons, trước khi thua kiện Boho, Công ty cũng vừa nhận “tin buồn” khi thua liên danh Doji tại dự án trọng điểm Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu, Tp.Huế trị giá 4.600 tỷ.
Trong đó, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành quyết định về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án Tổ hợp thương mại dịch vụ kết hợp nhà ở tại nút giao vòng xuyến Võ Nguyên Giáp - Tố Hữu, Tp.Huế.
Dự án được mời thầu vào hồi tháng 3 và có 2 nhà đầu tư đăng ký tham gia gồm liên danh Tập đoàn Doji – Dojiland - Bluestar và liên danh CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) - Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Unicons.
Cả hai nhà đầu tư trên đều đáp ứng những yêu cầu sơ bộ. Tuy nhiên, liên danh Doji đã vượt qua liên danh Coteccons và trở thành nhà đầu tư dự án nhờ khả năng về tài chính, thương mại, kỹ thuật, kinh nghiệm nổi trội hơn.
Trước đó, Coteccons cũng vừa thất bại tại một cuộc đua lớn tại gói thầu 35.000 tỷ đồng ở Sân bay Long Thành. Dù rất tự tin song không thành, Chủ tịch HĐQT là ông Bolat Duisenov bày tỏ rất buồn và riếc khi "rớt" thầu dự án lớn là Sân bay Quốc tế Long Thành, nhưng sẽ không bỏ cuộc mà tiếp tục xác định hướng đi mới.
Lãnh đạo Coteccons còn nói rằng đây cũng là bước đệm để Công ty nâng tiêu chuẩn xây dựng lên tầm quốc tế và đang tiệm cận quốc tế. Theo đó, Coteccons từng tiết lộ sẽ mở rộng thị trường ra nước ngoài. Dù vậy, đến nay kế hoạch chi tiết về việc này vẫn chưa được Công ty chia sẻ nhiều.
Mặt khác, Coteccons mới đây gây chú ý khi xuất hiện tại dự án 230 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, Tp.HCM - nơi đang được Tập đoàn Trung Thuỷ đầu tư dự án cao cấp Lancaster Legacy.