Trong vòng ba tháng gần đây, lạm phát lõi tại Mỹ đã tăng khoảng 2,2%. Nếu xu thế này tiếp tục, chỉ số lạm phát sẽ rơi xuống dưới ngưỡng 2,5% trong tháng 2/2024.
Phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu tăng khoảng 2% do thông tin liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Trung Đông, ngoài ra nhà đầu tư cũng lo lắng về tình trạng nguồn cung dầu từ Libya sụt giảm.
Đóng cửa phiên giao dịch gần nhất trên thị trường London, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 1,47USD/thùng tương đương 1,9% lên 77,59USD/thùng.
Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI tăng 1,47USD/thùng tương đương 2,1% lên 72,24USD/thùng.
Giá dầu được hỗ trợ bởi thông tin mỏ dầu Sharara của Libya bị đóng cửa. Mỏ dầu này trong thời gian qua thường xuyên là mục tiêu mà người biểu tình địa phương nhắm đến, đây là một trong những mỏ dầu lớn nhất tại Libya.
Quân đội Israel khẳng định cuộc chiến chống lại Hamas sẽ vẫn tiếp diễn trong suốt năm 2024, thực tế này không khỏi khiến nhiều người lo ngại về khả năng xung đột sẽ leo thang thành cuộc khủng hoảng trên quy mô khu vực gây gián đoạn nguồn cung dầu.
Trong khi đó, một số doanh nghiệp vận tải toàn cầu hiện vẫn đang tránh tuyến đường hàng hải trên Biển Đỏ sau khi lực lượng Houthi tấn công vào các tàu hàng nhằm đáp trả Israel. Tuy nhiên, tác động từ các vụ tấn công này không tệ hại như kỳ vọng trước đó.
Giám đốc bộ phận giao dịch hàng hóa năng lượng tương lai tại ngân hàng Mizuho, ông Bob Yawger, phân tích: “Lựa chọn thay thế hấp dẫn nhất với các tàu chở dầu hiện nay là thay cho việc mua dầu của các nước Trung Đông, họ lựa chọn mua dầu từ Mỹ với giá rẻ hơn”.
Trước đó trong phiên giao dịch đầu tuần, giá dầu Brent và dầu WTI hạ lần lượt 3% và 4% sau khi trước đó Saudi Arabia công bố hạ giá bán dầu với một số khách hàng tại châu Á, châu Âu Mỹ.
Phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu tương lai được hỗ trợ sau khi Saudi Arabia nhấn mạnh đến việc cần hỗ trợ cho những nỗ lực bình ổn thị trường dầu. Những báo cáo gần đây cho thấy Nga đã hạn chế sản xuất dầu trong tháng 12/2023, theo chuyên gia phân tích tại Price Futures Group – ông Phil Flynn. Trước đây, OPEC+ đã đồng thuận sẽ giảm sản lượng ước tính khoảng 2,2 triệu thùng dầu/ngày.
Tại Mỹ, quy mô hoạt động sản xuất dầu được dự báo sẽ chạm kỷ lục trong vòng hai năm tới, tuy nhiên tăng trưởng ở mức độ chậm hơn, theo khẳng định của Cơ quan Thông tin Năng lượng Quốc tế (EIA). Sản lượng dầu thô được dự báo tăng khoảng 290.000 thùng/ngày lên ngưỡng kỷ lục 13,21 triệu thùng dầu/ngày.
Dự trữ dầu thô giảm 5,2 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/1/2023, theo các nguồn tin thị tường dẫn từ Viện Xăng dầu Mỹ (API). Số liệu về dự trữ xăng dầu của chính phủ Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Tư.
Quy mô sản xuất dầu thô của nhóm nước ngoài OPEC+ trong đó có Mỹ đang tăng lên. Mức tăng trưởng của sản xuất dầu thậm chí có thể cao hơn so với tăng trưởng của nhu cầu đang chững lại.
Phía OPEC+ trong khi đó phản ứng lại bằng cách cam kết giảm sản lượng sâu hơn, tuy nhiên các nhà đầu tư trên thị trường hoài nghi về khả năng động thái của OPEC+ có thể gây ra ảnh hưởng đủ lớn.
Sự kết hợp của những yếu tố trên đã khiến cho giá dầu thô, cả dầu Brent và WTI, ghi nhận năm giảm đầu tiên tính từ năm 2020. Trong năm 2023, cả giá dầu Brent và WTI hạ đến hơn 10%. Diễn biến giá dầu đồng thời chịu ảnh hưởng bởi việc nhiều nhà đầu cơ trở nên thận trọng hơn trên thị trường và vì vậy tạo ra nhiều đợt biến động giá khác thường.
Không ít chuyên gia khẳng định hiện tại họ rất khó dự báo về thị trường. Trưởng bộ phân đầu tư hàng hóa tại Quỹ Northern Trace Capital LLC, ông Trevor Woods, khẳng định: “Việc dự báo về giá dầu trong khoảng thời gian dài hơn một quý dường như quá khó. Năm nay thực sự là một năm quá khó đoán. Giá dầu hiện đang khá phụ thuộc vào việc OPEC+ có quan điểm như thế nào về giá dầu. Chính vì vậy, nếu nhóm này không thể thống nhất về việc hạ sản lượng, giá dầu có thể giảm sâu hơn nữa”.
Hiện tại đang có quá nhiều chỉ báo tiêu cực cho giá dầu. Trên thị trường tương lai, giá dầu Brent giao các hợp đồng gần đang thấp hơn so với các hợp đồng giao sau. Tâm lý của nhiều thành viên thị trường đang bi quan nhất trong hơn một thập kỷ. Trạng thái nắm giữ dầu của nhiều thành viên thấp nhất tính từ năm 2011, theo số liệu của Bloomberg.
“Thị trường giờ đây đã chuyển sang trạng thái chờ đợi, đó là khi thị trường cần đến thêm nhiều yếu tố kết hợp ví như tồn kho, dự trữ giảm cũng như nhu cầu mua dầu gia tăng”, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại Macquaire – ông Vikas Dwivedi phân tích.