Theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2022 đã kiểm toán, năm 2022, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ hợp nhất hơn 20,7 nghìn tỷ đồng, trong khi công ty mẹ EVN lỗ hơn 26,5 nghìn tỷ đồng.
Sang 8 tháng đầu năm 2023, theo số liệu trong báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, EVN dự kiến tiếp tục lỗ hơn 28.700 tỷ đồng. Như vậy, cùng với số lỗ 26.500 tỷ đồng của năm 2022, tính đến hết tháng 8/2023, công ty mẹ EVN lỗ ròng tổng cộng khoảng trên 55.000 tỷ đồng.
Tại toạ đàm "Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp: Nhìn lại và Hướng tới" do Báo Đầu tư phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức ngày 26/9, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc EVN đã có những lý giải về những nguyên nhân khiến tập đoàn này liên tục báo lỗ thời gian gần đây.
Ông Nam cho biết, EVN được Đảng, Chính phủ và Nhà nước giao nhiều nhiệm vụ, nhiều mục tiêu, ngoài mục tiêu về kinh tế, còn có mục tiêu an sinh xã hội, cung ứng đủ điện cho đời sống nhân dân và cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, EVN còn được giao nhiệm vụ cung ứng điện cho các vùng núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Khi đầu tư để thực hiện hoạt động cung cấp điện cho các vùng này, giá điện bán ra có thể lên đến 7.000 đồng/KWh nhưng, giá bán hiện nay của EVN chỉ khoảng 1.900 đồng/KWh. Đây là một trong những thực tế mà EVN đang phải đối mặt.
"EVN là một doanh nghiệp Nhà nước nên bên cạnh mục tiêu thuần túy về kinh doanh, hạch toán lãi lỗ, mà còn phải đặt mục tiêu an sinh xã hội, thực hiện nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao phó. Trong bối cảnh như vậy, để đảm bảo an sinh xã hội là ưu tiên hàng đầu, EVN phải chấp nhận việc giá bán ra thấp hơn nhiều so với giá mua vào", ông Nam nói.
Cũng theo Phó tổng giám đốc EVN, năm 2022 là năm khó khăn nhất đối tập đoàn do những sự bất ổn địa chính trị trên thế giới, xung đột Nga - Ukraine xảy ra khiến các nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất điện như than, khí, dầu... đều tăng đột biến. Ví dụ giá than có lúc tăng gấp 5 lần, lên đến 400 USD/tấn, hay giá dầu cũng tăng gấp đôi.
Việc giá nguyên liệu đầu tăng đã khiến giá vốn sản xuất điện tăng lên, đẩy giá điện mua vào cũng tăng theo, gây ra những khó khăn tài chính cho EVN. Khó khăn này của năm 2022 chưa dừng lại. Sang đến năm 2023 giá các nguyên liệu đầu vào đã có giảm nhưng vẫn ở mức cao. Đây vẫn là một trong những khó khăn đối với EVN.
Ông Nam cho biết thêm, mặc dù giá điện gần đây đã được điều chỉnh tăng 3%, sau 4 năm không điều chỉnh tuy nhiên việc tăng giá này cũng chỉ giải quyết được một phần nào khó khăn của doanh nghiệp.
Phó Tổng Giám đốc EVN hy vọng, thời gian tới cùng với sự hỗ trợ của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước và Chính phủ và các bộ, ngành, EVN sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn. Đặc biệt, với việc triển khai Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, sẽ dần dần đưa giá năng lượng tiến tới theo hướng minh bạch và để cho thị trường quyết định.
Cùng phân tích nguyên nhân thua lỗ của EVN, TS. Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng cho biết, giá điện mua vào của EVN là theo giá thị trường nhưng đầu ra lại theo giá mà Chính phủ quy định.
"Sau 4 năm tập đoàn này mới được tăng 3% giá điện. Nếu cộng lạm phát của 4 năm vừa rồi thì việc tăng 3% như thế có đủ để bù lại lạm phát không?", ông Kiên đặt vấn đề và cho biết "chưa kể EVN còn phải đối mặt với những rủi ro như chênh lệch tỷ giá, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng".
"EVN được Nhà nước đi vay nước ngoài để đầu tư xây dựng trung tâm điện lực, giao cho EVN trả nợ. Lúc vay, giá 1 USD chỉ khoảng 16.000 đồng, nhưng bây giờ đã lên hơn 24.000 đồng thì khoản chênh lệch tỷ giá đó EVN phải chịu. Theo luật thì tập đoàn phải hạch toán khoản chênh lệch này vào lỗ", ông Kiên nói thêm.