Giá nguyên liệu và TACN thành phẩm có xu hướng giảm
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm 2023 cả nước chi hơn 2,852 tỷ USD để nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng đậu tương, trong 7 tháng qua Việt Nam đã nhập khẩu gần 1,21 triệu tấn đậu tương, trị giá gần 780,1 triệu USD, giảm 1,7% về lượng, giảm 8,7% kim ngạch và giảm 7% về giá so với 7 tháng năm 2022.
Trong 7 tháng qua, nhập khẩu ngô các loại cũng đạt gần 4,28 triệu tấn, trị giá trên 1,4 tỷ USD, giá trung bình 328 USD/tấn, giảm 16,8% về lượng, giảm 23,4% kim ngạch và giảm 7,9% về giá so với 7 tháng đầu năm 2022.
Một doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) cho biết, lượng nguyên liệu nhập khẩu giảm là do giá nguyên liệu tăng cao, nhiều nhà máy đã tìm kiếm các nguồn thức ăn trong nước thay thế.
Mặt khác, từ giữa tháng 7/2023, giá nguyên liệu cám, tấm trong nước tăng mạnh theo giá gạo xuất khẩu. Giá tấm, cám tăng cũng tác động lên các nhà máy sản xuất TACN.
Sản xuất TACN bằng nguyên liệu rẻ tiền kéo giảm chất lượng sản phẩm
Ngành sản xuất TACN của Việt Nam có thể nói là phát triển bậc nhất trong khu vực và chỉ thua những nước lớn như Trung Quốc. Hiện nay, Việt Nam đã có gần 500 nhà máy (bao gồm nhà máy mới và nhà máy cũ), nhưng từ khi giá nguyên liệu tăng cao đã ảnh hưởng không ít đến chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Duy Hải, Giám đốc Kinh doanh Ngành thức ăn chăn nuôi và thức ăn thủy sản của Tập đoàn Buhler tại Việt Nam cho biết, do Việt Nam phải nhập phần lớn các nguyên liệu dùng sản xuất TACN dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao, và khi logistic toàn cầu có vấn đề thì bị ảnh hưởng ngay, vì vậy, việc chính phủ giảm thuế VAT cũng chỉ cắt được một phần. Công thức và quy trình sản xuất của những nhà máy ở Việt Nam đã được xây dựng từ rất lâu, máy móc đã tương đối cũ nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc sử dụng các nguyên liệu mới.
Trước đây, khi giá nguyên liệu như bắp tương đối rẻ, dễ nấu chín nên dù máy móc và công nghệ cũ vẫn cho chất lượng dinh dưỡng tốt, giá thành tương đối rẻ người chăn nuôi chấp nhận được. Từ khi giá nguyên liệu nhập khẩu tăng cao, để giữ chi phí giá thành sản phẩm các nhà máy chuyển sang sử dụng nguyên liệu khác có giá rẻ như dầu cọ và có thể mua trực tiếp từ Indonesia, Malaysia, nhưng những nguyên liệu này khó chế biến hơn so với các nguyên liệu trước đây.
Mặt khác, khi xây dựng nhà máy doanh nghiệp cho lắp đặt công nghệ để sản xuất các nguyên liệu dễ nấu, nhưng khi đưa những nguyên liệu mới vào thì chất lượng sản phẩm không còn tốt.
Để duy trì chất lượng TACN, doanh nghiệp sản xuất phải tốn nhiều chi phí năng lượng hơn, và tỷ lệ sản phẩm phải chạy lại cũng cao hơn dẫn đến giá thành sản xuất vẫn cao, khó giảm giá bán.
Theo ông Hải, với những nhà máy cũ nếu doanh nghiệp không có khả năng đầu tư dây chuyền mới hoàn toàn thì Buhler sẽ cung cấp các giải pháp về nâng cấp, chuyên gia của công ty sẽ tới khảo sát các nhà máy đó và nâng cấp một số bộ phận nhất định để có thể nâng cao được chất lượng. Đương nhiên, không thể tốt bằng dây chuyền đầu tư mới hoàn toàn nhưng chất lượng sẽ nâng cao được. Ở một khía cạnh khác sẽ có nhiều doanh nghiệp chăn nuôi lớn đầu tư mới để hoàn thiện dây chuyền sản xuất 3F (feed, farm, food) của họ.
Hệ thống băng tải nhà máy sản xuất TACN
Thụy Sĩ – đất nước rất nổi tiếng về máy móc có độ chính móc cao, và các máy móc của Buhler được sản xuất theo tiêu chuẩn cao đó nên khi đưa vào dây chuyền sẽ mang lại độ ổn định trong sản xuất. Mặt khác, tập đoàn đang dần hướng tới thay vì chỉ nâng cấp về mặt cơ khí sẽ cải tiến về mức độ hiệu quả, giúp khách hàng có thể tiết kiệm được năng lượng nhiều hơn. Bởi tiết kiệm năng lượng và giảm tiêu hao cũng là một cách để hạ giá thành sản xuất.
Hàng năm Buhler dành ra 5% tổng doanh thu của tập đoàn toàn cầu tương đương với hơn 150 triệu USD để dùng vào công tác nghiên cứu, mục đích chính nhằm mang lại những giá trị mới tốt hơn cho khách hàng. Kết quả cho thấy, khi phần cơ khí đã đạt đỉnh điểm không thể phát triển được nữa thì cần phát triển các công nghệ mới theo hướng hiệu suất vận hành tổng thể để giảm hao hụt, vì hao hụt chiếm một phần rất lớn trong chi phí sản xuất.
Với máy móc liên tục được nâng cấp, những hao hụt này được giảm đến mức thấp nhất có thể. Cách làm này vừa giảm được thất thoát nguyên liệu trong quá trình sản xuất còn giảm được năng lượng sử dụng và tối ưu được nhiều mặt, đó là chưa kể tập đoàn đang áp dụng nhiều hơn các công nghệ về kiểm soát tự động bằng kỹ thuật số.