Phiên giao dịch ngày thứ Năm, giá vàng lập mức cao kỷ lục chưa từng thấy. Giá vàng như vậy tiếp nối chuỗi thời gian tăng mạnh của tuần trước. Các biện pháp nới lỏng tiền tệ từ phía Mỹ vẫn hỗ trợ cho hoạt động mua vàng của nhà đầu tư.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 7/3, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 2.156,93 USD/ounce. Trong phiên giao dịch trên thị trường châu Á, giá vàng có lúc chạm mức 2.164,09 USD/ounce.
Giá vàng giao hợp đồng tương lai tăng 0,2% lên 2.165,2 USD/ounce.
Trong tuyên bố mới nhất, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ - ông Jerome Powell khẳng định, FED không còn xa mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 2%. Nhà đầu tư trên thị trường hiện đang dự báo về khả năng FED hạ lãi suất trong tháng 6/2024 lên đến 74% trong khi đó vào ngày 29/3, tỷ lệ này mới ở mức 63%.
Môi trường lãi suất thấp đồng nghĩa với việc chi phí cơ hội nắm giữ các tài sản không mang lại lợi suất như vàng giảm đi, đồng thời đồng USD chịu sức ép suy giảm, nhiều nhà đầu tư vì vậy mua vàng.
Trong báo cáo mới nhất, chiến lược gia thị trường thuộc Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) – ông Joseph Cavatoni khẳng định, các đợt hạ lãi suất đang đẩy tăng giá vàng và ai cũng nghĩ rằng điều này sẽ đến.
Nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới hiện vẫn đang mua mạnh vàng.
Trong tuần này, giá vàng cũng chịu ảnh hưởng bởi báo cáo thị trường việc làm phi nông nghiệp của Mỹ.
Trên thị trường vàng vật chất, việc giá vàng tăng mạnh được dự báo sẽ có thể gây tổn hại đến tiêu dùng vàng tại Ấn Độ khi nước này bước vào mùa cưới. Tuy nhiên, nhu cầu vàng tại Trung Quốc được dự báo vẫn ở ngưỡng cao.
Rủi ro địa chính trị cũng vẫn ảnh hưởng đến giá vàng, theo chuyên gia phân tích về kim loại quý tại ngân hàng HSBC – ông James Steel.
Tính từ khi căng thẳng Israel – Hamas bắt đầu, giá vàng đã tăng hơn 300 USD/ounce.
Theo báo cáo mới công bố của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), hoạt động mua vàng của Trung Quốc đã kéo dài suốt 16 tháng liên tiếp.
Số liệu mới được công bố cho thấy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã mua vào ước tính 390.000 ounce vàng trong tháng 2/2024. Tính chung, PBOC hiện đang nắm giữ 72,58 triệu ounce vàng, tương đương khoảng 2.257 tấn vàng.
Cũng theo WGC, các ngân hàng trung ương trên thế giới mua vào ước tính 1.037 tấn vàng trong năm 2023, chỉ thấp hơn chút so với ngưỡng cao kỷ lục của năm 2022. Hoạt động mua mạnh vàng của các ngân hàng trung ương góp phần quan trọng đẩy giá vàng tăng. Tuy nhiên kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc FED hạ lãi suất cũng giúp đẩy giá vàng tăng.
Theo đánh giá của WGC, với mục tiêu đa dạng hóa tài sản nắm giữ và giảm phụ thuộc vào đồng USD, Trung Quốc cũng như nhiều ngân hàng trung ương khác trên thế giới đã mua mạnh vàng.
Nhóm các nước BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi đều cùng chia sẻ mục tiêu giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Theo Reuters,BusinessInsider