Hai công ty riêng của ông Phạm Nhật Vượng sẽ bán hơn 46 triệu cổ phiếu VFS
VinFast Auto Ltd. (mã VFS) mới đây công bố bản cáo bạch liên quan đến việc chào bán và phát hành 72.084.942 triệu cổ phiếu phổ thông và 3.672.708 chứng quyền. Với mỗi chứng quyền nắm giữ, nhà đầu tư sẽ được mua 1 cổ phiếu phổ thông của VinFast với giá 11,5 USD/cổ phiếu.
Trong 72.084.942 cổ phiếu chào bán sẽ bao gồm phát hành 4.225.000 cổ phần phổ thông liên quan việc hợp nhất kinh doanh với Black Spade để đổi lấy việc hủy bỏ 4.225.000 cổ phiếu loại B thuộc sở hữu của Black Spade Sponsor, giám đốc, nhân viên, ủy viên ban cố vấn và một số nhân viên. Đây là cổ đông ban đầu của Black Spade Acquisition Co (BSAQ).
Phát hành 1.636.797 cổ phiếu phổ thông cho công ty Lucky Life theo thỏa thuận trước đó giữa VinFast, Black Spade Sponsor và Lucky Life.
Và phát hành 4.929.684 cổ phiếu VFS cho Black Spade Sponsor để đổi lấy 6.380.000 chứng quyền phát hành riêng lẻ của BSAQ, liên quan đến thỏa thuận hợp nhất giữa BSAQ và VinFast.
Đáng chú ý nhất trong đợt chào bán này là hai công ty đầu tư riêng của ông Phạm Nhật Vượng là Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) và Asian Star Trading & Investment (Asian Star) sẽ bán ra 46,29 triệu cổ phiếu, tương đương khoảng 2% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Trong đó, VIG bán 2.800.501 đơn vị và Asian Star bán 43.492.960 đơn vị.
Trong cùng đợt này, VinFast sẽ phát hành 15.000.000 cổ phiếu cho công ty Gotion Inc (Trung Quốc).
Tại bản cáo bạch của VinFast, ước tính với mức giá tại ngày 20/9, hai công ty liên quan đến tỷ phú Phạm Nhật Vượng là VIG và Asian Star Trading Investments nếu bán hết số cổ phần thì dự kiến thu được khoảng 796 triệu USD. Toàn bộ số tiền này sau đi trừ phí hoa hồng, phí môi giới, phí và các khoản thuế sẽ được dùng để tài trợ cho hoạt động của VinFast theo thỏa thuận tài trợ vốn.
Nếu giao dịch được thực hiện thành công như kế hoạch trên, ba công ty liên quan tới ông Phạm Nhật Vượng sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại VinFast từ 98,6% xuống còn 96,6%.
CEO một công ty bất động sản trở thành cổ đông lớn nhất của Hải Phát
Công ty CP Đầu tư Hải Phát (mã HPX) công bố, vào phiên ngày 14/9, ông Hoàng Văn Toàn đã mua vào 49,6 triệu cổ phiếu HPX, nâng sở hữu tại Hải Phát từ 0,23% lên 16,54% vốn điều lệ, tương đương 50,321 triệu cổ phần công ty. Theo đó, tỷ lệ sở hữu của ông Toàn tại Hải Phát đã vượt cả Chủ tịch HĐQT Đỗ Quý Hải.
Các bên liên quan của ông Toàn bao gồm: Công ty CP Đầu tư Toàn Tín Phát, bà Hoàng Thị Ý, ông Nguyễn Việt Dũng và bà Hoàng Thị Như đang nắm giữ 35,12 triệu cổ phiếu HPX, tương đương 11,54% vốn điều lệ Hải Phát. Như vậy tổng tỷ lệ sở hữu của nhóm cổ đông này tại HPX là hơn 28%.
Động thái mua vào lượng lớn cổ phiếu HPX của nhóm nhà đầu tư này diễn ra trong bối cảnh mã này giảm sàn nhiều phiên liên tiếp sau khi Hải Phát nhận quyết định đình chỉ giao dịch từ ngày 18/9. Chiếu theo thị giá kết phiên diễn ra giao dịch, ước tính nhóm nhà đầu tư này đã chi hơn 270 tỷ đồng cho thương vụ trên.
Ông Hoàng Văn Toàn hiện là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của Công ty CP Đầu tư Toàn Tín Phát. Trước khi đầu tư vào Hải Phát, hồi tháng 1/2023, ông Toàn từng là cổ đông lớn của Công ty CP DNP Holding (mã DNP) sau khi mua vào 2,74 triệu cổ phiếu DNP, nâng sở hữu lên 6,5% vốn điều lệ.
Chủ tịch Dầu khí Nam Sông Hậu tiếp tục đăng ký bán cổ phiếu
Ông Mai Văn Huy, Chủ tịch HĐQT của Công ty CP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã PSH) tiếp tục đăng ký bán 2,4 triệu đơn vị giai đoạn từ ngày 27/9 - 26/10 với mục đích cá nhân. Nếu giao dịch thành công, ông Huy sẽ hạ sở hữu xuống mức 61,5%, tương ứng với 77,6 triệu đơn vị.
Cùng mục đích, bà Võ Bích Trâm, Thành viên HĐQT PSH cũng đăng ký bán toàn bộ 0,92% vốn, tương ứng với 1,1 triệu đơn vị.
Trước đó, ông Mai Văn Huy đã bán 4,1 triệu cổ phiếu PSH, hạ sở hữu từ 66,7% xuống còn 63,4% vốn, tương ứng với 80 triệu đơn vị.
Giao dịch thực hiện giai đoạn từ ngày 15 -20/9 theo phương thức khớp lệnh. Chiếu theo thị giá trung bình các phiên diễn ra giao dịch, lượng cổ phiếu ông Huy bán ra trị giá khoảng hơn 50 tỷ đồng.
Trong khi đó, bà Võ Bích Trâm đã bán 1,7 triệu đơn vị vào ngày 31/8, thu về khoảng hơn 19 tỷ đồng.
Công ty của bà Đặng Thị Hoàng Yến muốn gom thêm gần 2,8 triệu cổ phiếu ITA
Công ty CP Đầu tư - Tin học và Tư vấn Xây dựng Phương Nam thông báo bán ra gần 2,8 triệu cổ phiếu của Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (mã ITA) trong tổng số hơn 3 triệu cổ phiếu đang nắm giữ. Thời gian thực hiện dự kiến kéo dài từ ngày 27/9 - 24/10/2023.
Nếu giao dịch thành công, tỷ lệ sở hữu của Xây dựng Phương Nam tại ITA sẽ giảm từ 0,32% xuống còn 0,03%, tương đương 250.000 cổ phiếu.
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty Phương Nam hiện là ông Nguyễn Thanh Phong đang đồng thời là Tổng Giám đốc của ITA. Cá nhân ông Phong sở hữu 291.859 cổ phiếu ITA, tương đương 0,03%.
Bên mua số cổ phiếu trên của Công ty Phương Nam là Công ty CP Đại học Tân Tạo – một cổ đông lớn của ITA. Cụ thể, Đại học Tân Tạo đăng ký mua thỏa thuận cổ phiếu ITA với số lượng và thời gian tương tự giao dịch của Công ty Phương Nam.
Nếu thương vụ hoàn tất, tỷ lệ sở hữu của Đại học Tân Tạo tại ITA sẽ tăng từ 14,72% lên 15,01%, tương đương gần 141 triệu cổ phiếu. Trước đó, từ ngày 15 - 19/9, công ty này đã mua thỏa thuận 1 triệu cổ phiếu ITA để nâng tỷ lệ sở hữu từ 14,61% lên 14,72%.
Về mối liên quan với bà Đặng Thị Hoàng Yến, bà Yến hiện là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Đại học Tân Tạo, đồng thời là Chủ tịch HĐQT của ITA. Bà Yến hiện sở hữu hơn 53 triệu cổ phiếu ITA, tương ứng 5,79%.
Chủ tịch Địa ốc Tân Kỷ muốn bán hết cổ phiếu TKC trước khi bị ngừng giao dịch
Ông Lê Đại Nghĩa, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và Kinh doanh Địa ốc Tân Kỷ (mã TKC) đã đăng ký bán ra toàn bộ hơn 782.000 cổ phiếu thuộc sở hữu, tương ứng tỷ lệ 5,21% vốn.
Thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 19/9 đến 12/10/2023, theo phương thức thỏa thuận và khớp lệnh. Mục đích giao dịch là nhu cầu cá nhân.
Động thái thoái sạch vốn của Chủ tịch HĐQT Tân Kỷ diễn ra trong bối cảnh TKC vừa nhận quyết định từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) về việc chuyển cổ phiếu sang diện đình chỉ giao dịch kể từ ngày 25/9/2023. Nguyên nhân do Địa ốc Tân Kỷ chậm công bố thông tin báo cáo tài chính quý II/2023, báo cáo tình hình quản trị công ty bán niên năm 2023 và báo cáo tài chính bán niên được soát xét năm 2023.
Bên cạnh đó, cổ phiếu TKC hiện đang trong diện cảnh báo do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023 quá 15 ngày so với thời hạn, vi phạm quy định công bố thông tin từ 4 lần trở lên trong vòng 1 năm và chưa họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2023 quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính; đồng thời thuộc diện kiểm soát do vốn chủ sở hữu âm tính trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất.