IMF nâng dự báo tăng trưởng châu Á lên 4,5% trong năm 2024

Áp lực giá cả hạ nhiệt củng cố triển vọng tăng trưởng ở khu vực châu Á, song vẫn cần lưu ý đến một số rủi ro chính như khủng hoảng thị trường bất động sản Trung Quốc và sự phân mảnh địa kinh tế.

Triển vọng kinh tế tươi sáng

Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2024 của IMF cho thấy, triển vọng tăng trưởng kinh tế khu vực này trong năm 2024 đã sáng hơn, với kỳ vọng rằng, nền kinh tế khu vực sẽ giảm tốc ít hơn so với dự kiến, khi áp lực lạm phát liên tục hạ nhiệt.

IMF nâng dự báo tăng trưởng khu vực trong năm nay lên 4,5%, tăng 0,3 điểm phần trăm so với dự báo đưa ra sáu tháng trước. Tăng trưởng khu vực trong năm 2023 đạt 5%.

apd-reo-growth-and-inflation-blog-chart1-v2-6230.png
Kinh tế châu Á được dự báo tăng trưởng chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa trong năm 2024

Những điều chỉnh của IMF phản ánh sự cải thiện đối với nền kinh Trung Quốc khi các biện pháp kích thích được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nền kinh tế nước này. Bên cạnh đó, Ấn Độ, nơi đầu tư công vẫn là động lực quan trọng và khiến nước này trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, cũng là điểm sáng trong khu vực.

Mặt khác, trong bối cảnh các yếu tố bên ngoài vẫn còn ảm đạm, tiêu dùng cá nhân mạnh mẽ vẫn sẽ là động lực tăng trưởng chính ở các nền kinh tế thị trường mới nổi khác ở châu Á.

Dự báo tăng trưởng châu Á năm 2025 không thay đổi ở mức 4,3%.

Theo IMF, lạm phát giảm tốc và triển vọng nới lỏng tiền tệ làm tăng khả năng hạ cánh nhẹ nhàng cả ở châu Á.

Kinh tế Việt Nam được IMF dự báo tăng trưởng 5,8% trong năm 2024 và 6,5% trong năm 2025.

Lạm phát không đồng đều

Bất chấp nhu cầu tăng trưởng mạnh mẽ, lạm phát ở châu Á vẫn tiếp tục giảm. Tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, giá cả hàng hóa toàn cầu sụt giảm cũng như tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng được cải thiện sau đại dịch đều góp phần dẫn đến kết quả này.

Tuy nhiên, quá trình giảm phát diễn ra không đồng đều trong khu vực. Ở một số nền kinh tế tiên tiến – đặc biệt là New Zealand, Úc và Hàn Quốc – lạm phát dịch vụ dai dẳng đã khiến lạm phát tổng thể vượt mục tiêu. Ngược lại, giá cả tại Thái Lan và Trung Quốc lại trên đà giảm với lạm phát cơ bản, không bao gồm lương thực và năng lượng, đang ở mức thấp. Ở một số quốc gia khác, lạm phát đang tiến gần đến mục tiêu.

apd-reo-chart-2-v4-8597.png
Tình trạng lạm phát phân hóa trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Với bối cảnh như vậy, IMF cho rằng, các quốc gia cần có chính sách khác biệt. Ở những nền kinh tế mà lạm phát vẫn tăng cao, các ngân hàng trung ương có thể cần phải giữ chính sách lãi suất cao dài hơi hơn. Ở những nền kinh tế có lạm phát cơ bản bằng hoặc gần đạt mục tiêu, dư địa để giảm lãi suất có thể xuất hiện vào cuối năm nay. Ngược lại, đối với nền kinh tế đang chứng kiến tình trạng lạm phát thấp đến mức không mong muốn thì cần phải có lập trường thích ứng.

“Các ngân hàng trung ương nên kiên quyết tập trung vào các điều kiện trong nước và tránh đưa ra các quyết định phụ thuộc quá mức vào diễn biến lãi suất dự kiến của Mỹ, mặc dù việc đi theo Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể hạn chế biến động tỷ giá hối đoái, nhưng cũng dẫn tới nguy cơ các ngân hàng trung ương tụt lại phía sau (hoặc đi trước) đường cong và làm mất ổn định kỳ vọng lạm phát”, chuyên gia IMF phân tích.

Quảng cáo

Bên cạnh đó, IMF cũng cho rằng, chính phủ châu Á đồng thời cần theo đuổi các chính sách giảm nợ và thâm hụt công một cách cấp bách hơn. Tiến độ giải quyết các vấn đề này trong năm ngoái đã chậm hơn so với những gì IMF dự kiến.

“Trong các kế hoạch tài chính hiện tại, tỷ lệ nợ sẽ ổn định ở hầu hết các nền kinh tế, miễn là các chính phủ củng cố các kế hoạch này bằng các chính sách cụ thể và thực hiện theo chúng. Tuy nhiên, nợ sẽ vẫn cao hơn đáng kể so với trước đại dịch”, IMF lưu ý.

Để giảm mức nợ và cắt giảm chi phí trả nợ, IMF khuyến nghị các chính phủ hợp lý hóa chi tiêu và đặc biệt là tăng thu, tạo thêm dư địa trong ngân sách để chi tiêu cho các nhu cầu phát triển, mạng lưới an sinh xã hội cũng như giảm thiểu tác động và thích ứng với các vấn đề về khí hậu.

Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn khó khăn

Tại Trung Quốc, tình trạng khủng khoảng ngày càng sâu sắc trong lĩnh vực bất động sản đã cản trở sự phục hồi sau khi quốc gia này mở cửa trở lại sau đại dịch COVID-19 vào đầu năm 2023. Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn tăng trưởng 5,2% vào năm 2023, cao hơn mức IMF dự báo.

Các biện pháp kích thích tài chính được chính phủ Trung Quốc ban hành vào tháng 10/2023 và tháng 3/2024 giúp giảm thiểu tác động của hoạt động sản xuất suy giảm và dịch vụ trì trệ. IMF đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế trong năm 2024 của Trung Quốc lên 4,6%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó.

apd-reo-growth-and-inflation-blog-chart3-v2-1123.png
Giá cả hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm trong nửa cuối năm 2023

Mặt khác, IMF vẫn giữ quan điểm, sự điều chỉnh kéo dài trong lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc vẫn là rủi ro chính đối với nền kinh tế châu Á khi yếu tố này sẽ làm suy yếu nhu cầu và có thể làm tăng nguy cơ giảm phát kéo dài tại đại lục, dẫn tới ảnh hưởng đến khu vực là thông qua tác động lan tỏa của thương mại trực tiếp. Ngoài ra, việc giá cả hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm gây áp lực lên tỷ suất lợi nhuận của các đối thủ cạnh tranh của nước này, đặc biệt là những nền kinh tế có cơ cấu xuất khẩu tương tự.

Theo IMF, phản ứng chính sách của Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng – đối với cả nước này và toàn bộ khu vực. Một gói các biện pháp nhằm đẩy nhanh sự ra đi của các nhà phát triển bất động sản yếu kém, thúc đẩy hoàn thành các dự án nhà ở và quản lý rủi ro nợ của chính quyền sẽ thúc đẩy niềm tin, hỗ trợ nhu cầu và giúp nền kinh tế phục hồi và do đó cải thiện triển vọng tăng trưởng cho cả Trung Quốc và các nước láng giềng. Ngược lại, các chính sách thúc đẩy nguồn cung - chẳng hạn như trợ cấp đầu tư cho các công ty và ngành cụ thể - sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng dư thừa công suất, củng cố áp lực giảm phát và có khả năng gây ra xung đột thương mại.

Rủi ro gián đoạn thương mại

IMF chỉ ra rằng, xung đột địa chính trị leo thang sẽ là diễn biến tồi tệ đối với một khu vực đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự mở cửa thương mại - khi ngày càng có nhiều chính sách hạn chế thương mại được thực thi, cả ở châu Á và các nơi khác.

Xung đột địa chính trị cũng đặt ra thêm những rủi ro khiến thương mại gián đoạn, bằng chứng là việc định tuyến lại các tuyến tàu quanh châu Phi để tránh Biển Đỏ, làm tăng chi phí vận chuyển. Các quốc đảo tại Thái Bình Dương chịu ảnh hưởng đặc biệt lớn vì họ phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu và kém hội nhập vào mạng lưới vận tải toàn cầu.

apd-reo-table-april-2024-9007.png
Dự báo tăng trưởng kinh tế các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương

Đối với các nền kinh tế châu Á, đây là những diễn biến đáng tiếc vì nhiều nước trong khu vực đã hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và được hưởng lợi lớn từ thương mại. Do đó, IMF cho rằng, các nhà hoạch định chính sách nên thận trọng để không khiến thương mại gián đoạn trầm trọng hơn.

"Ví dụ, chúng tôi quan sát thấy xu hướng thực hiện các biện pháp chính sách công nghiệp ngày càng tăng. Mặc dù các biện pháp này theo đuổi nhiều mục tiêu khác nhau nhưng chúng thường bao gồm các yếu tố bóp méo thương mại. Cần phải xây dựng cẩn thận để tránh những tác động bên lề ngoài ý muốn - đặc biệt là sự phân mảnh kinh tế lớn hơn - và để duy trì sự nhất quán với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)", IMF lưu ý.

Ngoài các yếu tố ngắn hạn, các yếu tố khác như: tình trạng già hóa dân số, tốc độ tăng năng suất chậm lại và sự xuất hiện của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) đang đặt ra những thách thức quan trọng cho các nhà hoạch định chính sách ở châu Á.

“Mặc dù các phản ứng chính sách cần được điều chỉnh phù hợp với hoàn cảnh của từng quốc gia nhưng vẫn có yêu cầu chung về vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và kỹ năng của lực lượng lao động để châu Á duy trì vai trò là động lực tăng trưởng của nền kinh tế thế giới”, IMF cho biết.

Theo thitruongtaichinhtiente.vn Copy

Cùng chuyên mục Thế giới

Hội đồng Vàng Thế giới: Giá vàng sẽ tăng trưởng 'khiêm tốn hơn nhiều' trong năm 2025

Theo Hội đồng Vàng Thế giới, sau khi liên tục phá những mức cao kỷ lục trong năm nay và có được mức tăng giá tốt nhất hàng năm trong một thập kỷ qua, giá vàng sẽ tăng trưởng chậm lại vào năm tới.

Vàng miếng SJC tiếp tục neo ở mốc 87,1 triệu đồng mỗi lượng Giá vàng SJC, giá vàng nhẫn đồng loạt giảm mạnh tới 1 triệu đồng/lượng

VN-Index được dự báo hướng đến chinh phục vùng hơn 1.300 điểm

Theo dự báo của một số công ty chứng khoán, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp là động lực để thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên, chinh phục những vùng giá cao hơn.

Cổ phiếu OCB bất ngờ tăng trần trong ngày thị trường chứng khoán “rực lửa” Khối ngoại và các công ty chứng khoán đẩy mạnh giao dịch trên thị trường phái sinh

Nhìn lại thị trường toàn cầu quý 3: Yên Nhật tăng vọt, giá dầu lao dốc

Quý 3/2024 với những biến động mạnh mẽ trên các thị trường vừa kết thúc: Đồng yên tăng giá mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương nhanh chóng chuyển hướng sang nới lỏng tiền tệ, giá dầu lao dốc, giá vàng tỏa sáng và

Ngân hàng UOB: Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ thuế tối thiểu toàn cầu Cuộc đua phi đô la hoá "nóng lên" trên toàn cầu: Nhân dân tệ, bảng Anh, euro - đâu sẽ là nhân tố "truất ngôi vương" của đồng bạc xanh?

Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng do tăng trưởng kinh tế suy giảm

Ngày 27/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải nắm giữ, mức giảm lần thứ hai trong năm nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang chững lại.

Trung Quốc được dự đoán sẽ 'gom' vàng trở lại, khiến giá vàng tiếp tục phá đỉnh Ông trùm dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới chuẩn bị bơm lượng lớn dầu giá rẻ đến Trung Quốc, dầu Nga thêm áp lực