Kinh tế Hàn Quốc dưới tác động từ vụ ly hôn "thế kỷ" trong gia đình Tập đoàn SK

Khác với rất nhiều nền kinh tế phát triển khác trên thế giới, kinh tế Hàn Quốc đặc biệt phụ thuộc vào các tập đoàn lớn (chaebol) hiện vốn thuộc kiểm soát của các gia đình quyền lực nhất Hàn Quốc.

Từ đám cưới thế kỷ đến vụ ly hôn thế kỷ

35 năm trước đây, tại Nhà Xanh tức Phủ Tổng thống Hàn Quốc, cặp đôi này từng được coi như biểu tượng của sự hoàn hảo. Chú rể Chey Tae-won mặc bộ vest texedo màu đen kèm nơ bướm khoác tay cô dâu Roh Soh-yeong.

Giới truyền thông Hàn Quốc khi đó đã không ngừng loan tin về “đám cưới của thế kỷ” bởi đó là mối liên minh giữa kinh doanh và chính trị nổi bật tại Hàn Quốc trong thập niên 1980. Bố của cô dâu khi đó là Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo và chú rể là ông Chey Jong-hyun - con trai lớn của Chủ tịch tập đoàn Sunkyung, một trong những tập đoàn đa ngành lớn nhất tại Hàn Quốc. Cô dâu và chú rể đã gặp nhau khi cả hai đang cùng theo học hệ tiến sỹ ngành kinh tế tại đại học University of Chicago.

Từ sau đám cưới cho đến nay, tài sản của cặp đôi đã tăng trưởng chóng mặt. Năm 1998, ông Chey chính thức thừa kế quyền kiểm soát tập đoàn Sunkyung và sau này đổi tên thành tập đoàn SK. Vào thời điểm đó, tập đoàn vẫn còn có quy mô trung bình với hoạt động kinh doanh chính là dầu mỏ.

Giờ đây, tập đoàn SK có quy mô lớn thứ 2 tại Hàn Quốc với tổng giá trị vốn hóa thị trường ước tính 153,6 nghìn tỷ won tức tương đương khoảng 113 tỷ USD. Tập đoàn này kiểm soát công ty SK Telecom - doanh nghiệp viễn thông di động lớn nhất Hàn Quốc và SK Hynix – doanh nghiệp sản xuất chip lớn thứ hai thế giới tính theo doanh thu chỉ sau Samsung Electronics.

hanquoc2-746.jpg
Ông Chey Tae-won và bà Roh Soh-yeong thời trẻ - Korean Times

Tuy nhiên, dù tài sản tăng trưởng mạnh, cặp đôi này dần rời xa nhau. Năm 2015, ông Chey thừa nhận có con ngoài giá thú với một người phụ nữ. Tuyên bố với giới truyền thông, ông nói: “Sẽ là không thể và cũng không phù hợp nếu duy trì hai gia đình cùng một lúc”.

Quá trình xử lý các thủ tục ly hôn của cặp đôi cũng thu hút nhiều giấy mực của báo chí y hệt như đám cưới của họ cách đây khoảng ba thập kỷ, không phải chỉ bởi hồ sơ gia thế của hai vợ chồng quá hoành tráng mà còn bởi những tác động cực kỳ lớn đến kinh tế Hàn Quốc.

Khác với rất nhiều nền kinh tế phát triển khác trên thế giới, kinh tế Hàn Quốc đặc biệt phụ thuộc vào các tập đoàn lớn (chaebol) hiện vốn thuộc kiểm soát của các gia đình quyền lực nhất Hàn Quốc. Tuy nhiên điều đó cũng đồng nghĩa những vụ bê bối tình cảm hoặc ly hôn cũng sẽ có thể gây ra nhiều đứt gãy và gián đoạn về kinh tế.

Trong những trường hợp này, thẩm phán thường được khuyến khích để không gây ra những sự chia rẽ lớn dù rằng điều đó có ảnh hưởng đến quyền lợi pháp lý của đôi bên nhằm tránh ảnh hưởng tệ hại ví như sự chia tách của nhiều tập đoàn kinh tế lớn.

Tòa xử lý theo hướng tránh tối đa những ảnh hưởng lên nền kinh tế

Với vụ việc liên quan tập đoàn SK lần này, cách đây không lâu, vào tháng 12/2022, bà Roh (62 tuổi) đã vô cùng tức giận khi Tòa án gia đình Seoul (Seoul Family Court) chỉ chấp thuận cho bà được nhận 66,5 tỷ won, tương đương 50,2 triệu USD và từ chối chia sẻ thêm bất kỳ cổ phiếu SK nào cho người vợ.

Đây là điều đáng thất vọng với bà Roh bởi trước đó người phụ nữ này yêu cầu một nửa trong số 17,5% cổ phần SK mà người chồng Chey nắm giữ.

Phía luật sư bà Roh lập luận rằng dù đây là vụ ly hôn lớn nhất trong lịch sử Hàn Quốc nhưng số tiền mà người vợ được trả chỉ bằng 1,2% trong tổng số gần 5 nghìn tỷ won của người chồng, đồng thời chưa bằng 5% tổng giá trị tài sản mà bà Roh yêu cầu.

Hiện số cổ phần của ông Chey có tổng giá trị khoảng 1,9 nghìn tỷ won, qua đó giúp ông nắm quyền kiểm soát tập đoàn SK trong khi bà Roh chỉ nắm giữ 0,01% cổ phần.

Trong tâm lý phẫn nộ, bà Roh nói với Law Times: “Tôi cảm thấy như toàn bộ nỗ lực cuộc đời tôi bị hủy hoại bởi đóng góp của tôi chỉ được đánh giá bằng khoảng 1,2% tổng tài sản của ông ấy dù rằng tôi đã nuôi đến 3 đứa trong cuộc hôn nhân kéo dài 34 năm và giúp đỡ rất nhiều cho chồng tại cả nội địa và ở nước ngoài”. Vụ việc của bà Roh hiện đã được đưa lên Tòa án tối cao Seoul (Seoul Hight Court) để xét xử.

hanquoc1-4001.jpg
Ông Chey Tae-won và bà Roh Soh-yeong - Ảnh: Korean Herald

Công chúng Hàn Quốc theo dõi chặt chẽ vụ ly hôn lần này bởi nó có thể được coi như “biểu tượng” cho việc bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ dưới thời của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, người từng hứng chịu nhiều chỉ trích khi đóng cửa Bộ Bình đẳng giới và Gia đình trong chiến dịch tranh cử của mình.

Vụ ly hôn diễn ra sau hàng loạt vụ việc lùm xùm từ trước đó đã làm lộ ra với công chúng “mặt tối”của tập đoàn gia đình Hàn Quốc cũng như vai trò thứ yếu mà các cổ đông nữ thường bị ấn định vào.

Trước đây, các thành viên nữ của gia đình Koo, gia đình sở hữu tập đoàn điện tử LG của Hàn Quốc đã nộp đơn kiện chủ tịch tập đoàn về tranh chấp liên quan đến thừa kế bởi cho rằng họ đã bị loại bỏ khỏi danh sách thụ hưởng bởi bản di chúc giả. Trong trường hợp khác, mẹ của chủ tịch Samsung vào năm 2021 đã chấp nhận từ bỏ phần lớn quyền sở hữu cổ phiếu của bà để con trai bà có thể lên nắm quyền kiểm soát tập đoàn.

Theo phân tích của nhiều chuyên gia, phán quyền của tòa án tối cao Seoul trong vụ việc Roh-Chey đã được tính toán để đảm bảo quyền kiểm soát của ông Chey trong tập đoàn SK. Các chuyên gia khẳng định nó cũng tương tự như các tiền lệ trước đây của các vụ ly hôn trong giới tài phiệt, theo đó tòa án ghi nhận đóng góp của người phụ nữ trong gia đình bằng cách chia cho họ một phần tài sản đáng kể trong khối tài sản chung.

Quảng cáo

Tuy nhiên, một ngoại lệ quan trọng sẽ xảy ra khi mà quyền sở hữu một tập đoàn bị đe dọa. “Đây là lần đầu tiên tòa án phải đưa ra phán quyết ly hôn với một doanh nghiệp có quy mô lớn đến như vậy. Trước đây từng có tiền lệ doanh nghiệp bị chia tách sau ly hôn, thế nhưng doanh nghiệp lớn đến mức độ như SK rất khó có thể chấp thuận bị chia sẻ”, giáo sư ngành luật tại Đại học Quốc gia Seoul – ông Lee Dong-jin nói với Nikkei Asia.

Câu hỏi về liên minh kinh tế - chính trị trong gia đình tài phiệt Hàn Quốc

Trong vụ việc lần này, bà Roh đã kiên quyết phát động cuộc chiến để đòi lại tài sản cho mình.

Sinh ra trong gia đình có bố làm tướng quân đội, nên không ngạc nhiên bà Roh có tính cách vô cùng mạnh mẽ và quyết đoán. Trước thế lực khổng lồ của gia đình Chey và sự hậu thuẫn mạnh mẽ của nhà ngoại, bà Roh không hề nao núng. Nếu ai đó có thể thay đổi những quy luật pháp lý thông thường, đó chỉ có thể là một người như bà.

Quan điểm pháp lý của bà Roh vô cùng đơn giản: những đóng góp trong gia đình của bà cũng cần phải được coi như đóng góp vào tài sản chung của cặp đôi, chính vì vậy tài sản cũng phải được chia công bằng.

“Theo các tiền lệ trước đây thì bà Roh cần phải nhận được 40% tổng tài sản của ông Chey. Kể cả khi xem xét đến ảnh hưởng của một công ty đại chúng đến nền kinh tế thì tỷ lệ ít nhất cũng nên là 30%”, cựu luật sư mảng hôn nhân đã có hàng chục năm kinh nghiệm - ông Bae Keum Ja cho biết. Ông Bae cũng khẳng định phán quyết của tòa khi cho bà Roh quá ít tài sản cũng giống như lời “sỉ nhục” với phụ nữ Hàn Quốc.

Phía bà Roh khẳng định công sức của bà không chỉ nằm ở “việc nhà” hay nuôi dậy 3 người con hoặc điều hành trung tâm nghệ thuật SK mà thực chất còn là ở những lợi ích mà tập đoàn này có được nhờ liên minh gia tộc.

Bà Roh nhấn mạnh: “Đã có quá nhiều sự trợ giúp đến từ bên ngoài. Tôi sẽ nói chi tiết về việc khối tài sản của SK đã được tích lũy ra sao trước phiên tòa xử lần tới”.

Hiện chưa rõ sự trợ giúp bà nói đến là cái gì, tuy nhiên từ trước đã xuất hiện rất nhiều đồn đoán về việc tập đoàn SK đã giành được nhiều hợp đồng viễn thông béo bở. Năm 1992, dưới thời của Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo, tập đoàn Sunkyung đã nhận được trợ cấp của chính phủ để điều hành doanh nghiệp viễn thông. Trước những câu hỏi về vấn đề được ưu ái quá mức, tập đoàn này đã bị buộc phải trả lại giấy phép.

Sau đó, tập đoàn Sunkyung đã có thể trở lại với ngành viễn thông dưới thời Tổng thống Kim Young-sam. Vào năm 1994, chính phủ đã cho phép doanh nghiệp này mua cổ phần lớn trong một công ty viễn thông di động nhà nước.

Việc công bố những thông tin kiểu như thế này sẽ có hại cho chính ông Chey và tập đoàn SK, ông sẽ có thể buộc phải chia sẻ thêm cổ phần cho bà Roh. “Vấn đề quan trọng ở đây là liệu bà Roh có đủ bằng chứng để bảo vệ cho lập luận của mình rằng Tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo đã sử dụng ảnh hưởng và quyền lực của mình để giúp cho SK mua công ty viễn thông hay không”, giáo sư kinh tế tại Trường Quản lý công thuộc Đại học Quốc gia Seoul – ông Park Sang-in phân tích. Nếu cuối cùng mọi chuyện được chứng minh là đúng, hình ảnh của SK sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Đại diện tập đoàn SK phủ nhận việc bố của bà Roh đã giúp công ty chiến thắng trong mảng viễn thông khi ông còn giữ cương vị Tổng thống. Phát ngôn viên tập đoàn SK nói với Nikkei: “Chúng tôi mua cổ phiếu của Korea Mobile Telecom với giá gấp bốn lần giá thị trường. Chúng tôi mua tương lai của công ty bằng tiền của chúng tôi. Chúng tôi không nhận được bất kỳ ưu đãi nào dù bà Roh Soh-yeong là con gái Tổng thống”.

Phân tích ảnh hưởng của vụ ly hôn lên kinh tế Hàn Quốc

Theo nhiều chuyên gia về ngành luật và quản trị doanh nghiệp, dựa trên các tiền lệ, bà Roh có thể có quan điểm đúng đắn của riêng mình. Luật sư gia đình Bae không đồng ý với các phán quyết của tòa án, khẳng định rằng tòa cần phải thừa nhận sự đóng góp từ gia đình vợ cùng với việc bố vợ giúp gia tăng tài sản của tập đoàn SK với ảnh hưởng của ông.

Giáo sư Park thuộc Đại học Quốc gia Seoun (SNU) nhấn mạnh: “Sẽ là hoàn toàn không phù hợp nếu tòa án phán quyết rằng cổ phần của ông Chey trong tập đoàn SK không thể chia bởi nó thuộc diện không thể động chạm. Đồng thời cũng cần phải thừa nhận sự đóng góp của cặp đôi này khi mà doanh nghiệp đã tăng trưởng mạnh trong khoảng thời gian hôn nhân của họ”.

Tuy nhiên quy mô và ảnh hưởng kinh tế của tập đoàn SK lên kinh tế Hàn Quốc có thể khiến cho vụ việc này trở nên khác biệt. Các tòa án chịu áp lực không để cho các vụ lùm xùm cá nhân gây tổn hại đến doanh nghiệp lớn và thành công nhất Hàn Quốc. Tòa án trong khi đó thường ủng hộ đàn ông hơn phụ nữ.

hanquoc4-2059.jpg
Diễn biến cổ phiếu SK Holding trong 5 năm gần đây

“Một số người lo ngại về ảnh hưởng của phán quyết lên doanh nghiệp và kinh tế Hàn Quốc”, phóng viên của tạp chí Law Times – bà Hong Yoon-ji phân tích. Bà Hong cũng cho biết tòa án được khuyến khích để giảm thiểu tối đa ảnh hưởng kinh tế vĩ mô khi thực hiện hiện các phán quyết ly hôn. Bà Hong nhấn mạnh: “Ly hôn là một phần cuộc sống riêng tư của người chủ doanh nghiệp và nếu hàng trăm tỷ cổ phiếu của doanh nghiệp được chuyển nhượng, nó có thể gây ra nhiều rối loạn kinh tế và thiệt hại đến người dân”.

Trước đây, từng có nhiều vụ lùm xùm đe dọa chia rẽ tập đoàn ví như vụ việc của gia đình sở hữu tập đoàn Lotte cách đây một thập kỷ. Tuy nhiên cũng đã có những vụ việc kết thúc trong hòa bình.

Vào năm 2021, tập đoàn Samsung cũng đã xử lý được “êm thấm” việc thừa kế sau khi mẹ và hai chị gái của chủ tịch Lee Jae-yong từ bỏ quyền thừa kế của họ để ông Lee có thể nắm kiểm soát tập đoàn gia đình sau khi bố của ông – ông Lee Kun-hee qua đời. Họ giao lại cho ông Lee Jae-yong cổ phần của họ trong công ty Samsung Life Insurance kiểm soát Samsung Electronics dù họ vẫn nắm cổ phần tại công ty điện tử Samsung Electronics.

Vụ việc ly hôn gia đình Roh-Shey lần này có thể tạo ra tiền lệ cho những tranh chấp sau này liên quan đến quyền sở hữu cổ phiếu trong gia đình tài phiệt Hàn Quốc.

Một luật sư kỳ cựu với nhiều kinh nghiệm về luật gia đình khẳng định: “Cuộc hôn nhân trước đây là giữa gia đình tài phiệt và tổng thống đương nhiệm, chưa từng có một điều nào như vậy xảy ra trong lịch sử. Tôi tin rằng bà Roh sẽ có thể giành thêm được cổ phần sau phiên tòa sắp tới, nhưng điều đó còn tùy thuộc vào đội ngũ luật sư của bà và chính bà”.

Theo Nikkei Asia,CNBC

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ Copy

Cùng chuyên mục Thế giới

VN-Index được dự báo hướng đến chinh phục vùng hơn 1.300 điểm

Theo dự báo của một số công ty chứng khoán, tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp là động lực để thị trường chứng khoán tiếp tục đi lên, chinh phục những vùng giá cao hơn.

Cổ phiếu OCB bất ngờ tăng trần trong ngày thị trường chứng khoán “rực lửa” Khối ngoại và các công ty chứng khoán đẩy mạnh giao dịch trên thị trường phái sinh

Nhìn lại thị trường toàn cầu quý 3: Yên Nhật tăng vọt, giá dầu lao dốc

Quý 3/2024 với những biến động mạnh mẽ trên các thị trường vừa kết thúc: Đồng yên tăng giá mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng toàn cầu năm 2008, các ngân hàng trung ương nhanh chóng chuyển hướng sang nới lỏng tiền tệ, giá dầu lao dốc, giá vàng tỏa sáng và

Ngân hàng UOB: Nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tại Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng từ thuế tối thiểu toàn cầu Cuộc đua phi đô la hoá "nóng lên" trên toàn cầu: Nhân dân tệ, bảng Anh, euro - đâu sẽ là nhân tố "truất ngôi vương" của đồng bạc xanh?

Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của ngân hàng do tăng trưởng kinh tế suy giảm

Ngày 27/9, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho biết sẽ cắt giảm 50 điểm cơ bản lượng tiền mặt mà các ngân hàng phải nắm giữ, mức giảm lần thứ hai trong năm nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đang chững lại.

Trung Quốc được dự đoán sẽ 'gom' vàng trở lại, khiến giá vàng tiếp tục phá đỉnh Ông trùm dầu mỏ lớn thứ 2 thế giới chuẩn bị bơm lượng lớn dầu giá rẻ đến Trung Quốc, dầu Nga thêm áp lực

Cước vận tải đường không từ Bangladesh tăng mạnh nhất thế giới

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Bangladesh dẫn tới tình trạng gián đoạn hoạt động tại nhà máy trong những tuần gần đây cũng như sự thay đổi quyền lực của Chính phủ nước này không phải là mối quan tâm lớn duy nhất đối với các công ty may mặc ở nước ngoài

Cước vận tải đi Mỹ, EU tăng mạnh, thách thức mới cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản "Ác mộng" đại dịch trở lại: Mùa cao điểm chưa tới, giá cước vận tải biển đã "nhảy múa"