Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun, mã VNS) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 với doanh thu thuần đạt 278 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 25 tỷ đồng, giảm lần lượt 14,5% và 54,6% so với cùng kỳ.
Lũy kế cả năm 2023, doanh thu thuần của Vinasun đạt 1.219 tỷ đồng, tăng 12% so với năm trước. Trong đó, doanh thu từ kinh doanh taxi là gần 1.022 tỷ đồng, chiếm gần 84% cơ cấu doanh thu, còn lại là doanh thu đến từ dịch vụ vận tải theo hợp đồng (hơn 174 tỷ đồng) và dịch vụ khác (gần 23 tỷ đồng).
Tuy nhiên, giá vốn lại tăng nhanh hơn tốc độ tăng doanh thu, ở mức 963 tỷ đồng (tăng 22% so với năm 2022), khiến lãi gộp của công ty giảm 14% còn gần 256 tỷ đồng, biên lãi gộp cũng vì thế giảm còn 21% từ mức 27,2% của năm 2022.
Đối với hoạt động tài chính, dù lãi tiền gửi của công ty tăng 59% so với năm trước, lên 36 tỷ đồng nhưng chi phí lãi vay cũng tăng gấp 2,5 lần hơn 25 tỷ đồng.
Kết quả, công ty báo lãi sau thuế năm 2023 đạt hơn 151 tỷ đồng, giảm 18,4% so với năm liền trước. Như vậy, với kết quả doanh thu đạt 1.219 tỷ đồng và lãi sau thuế 151 tỷ, Vinasun mới hoàn thành hơn 90% kế hoạch doanh thu và 72% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Vinasun đã sụt giảm 10% so với đầu năm, xuống còn 1.653 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi giảm 26%, còn gần 403 tỷ đồng; khoản phải thu ngắn hạn cũng giảm 18%, còn 129 tỷ đồng.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của Vinasun đến cuối năm 2023 đã tăng 8%, lên 485 tỷ đồng do tăng nợ vay và thuê tài chính. Cụ thể, tổng nợ vay và thuê tài chính của công ty tại thời điểm 31/12/2023 là 290 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm, trong đó vay ngân hàng gần 162 tỷ đồng và thuê tài chính 128 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu của Vinasun đến cuối năm 2023 giảm 15,7% còn 1.168 tỷ đồng, trong đó vốn cổ phần là gần 679 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 133 tỷ, quỹ đầu tư và phát triển là 269 tỷ.
Năm 2023 cũng là năm Vinasun có những thay đổi đáng kể trong cơ cấu ban lãnh đạo cấp cao. Theo đó, từ đầu tháng 12/2023, ông Đặng Phước Thành đã từ nhiệm chức vụ Chủ tịch hội đồng quản trị (HĐQT) Vinasun vì lý do cá nhân, sau 23 năm nắm giữ vị trí này. Hiện ông Thành vẫn là Thành viên HĐQT Vinasun. Ông Thành cùng gia đình đang nắm giữ gần 28,5 triệu cổ phần VNS, tương ứng gần 42% vốn điều lệ của Vinasun.
Thay thế ông Thành ngồi ghế Chủ tịch HĐQT của Vinasun là ông Tạ Long Hỷ. Trước đó, ông Hỷ là Tổng Giám đốc kiêm thành viên HĐQT Vinasun.
Cùng với sự thay đổi ghế chủ tịch, vị trí Tổng Giám đốc của Vinasun cũng được giao cho ông Đặng Thành Duy, Phó Tổng Giám đốc công ty đảm nhiệm. Ông Đặng Thành Duy là con trai của ông Đặng Phước Thành. Ông Duy hiện là cổ đông lớn của Vinasun khi nắm giữ gần 3,4 triệu cổ phần, tương đương 5% vốn điều lệ VNS.
Theo báo cáo tài chính, năm 2023, Vinasun đã chi hơn 8,5 tỷ đồng tiền lương, thưởng cho HĐQT, Ban giám đốc, và Ban kiểm soát, tăng hơn gấp đôi so với năm ngoái. Trong đó, ông Đặng Thành Duy nhận lương thưởng cao nhất (hơn 1,5 tỷ đồng, gấp 2,3 lần mức lương thưởng năm 2022); kế đến là ông Trần Anh Minh, Thành viên HĐQT (hơn 1,4 tỷ đồng, gấp 2,56 lần); ông Đặng Phước Thành và ông Tạ Long Hỷ cũng nhận lương thưởng gấp đôi, lần lượt là 1,1 tỷ đồng và 1,03 tỷ đồng.
Ngoài ra, tất cả các thành viên trong HĐQT và Ban giám đốc của Vinasun cũng đều được trả lương, thưởng gấp đôi trong năm 2023.