Trong năm nay, khởi đầu năm các chuyên gia kinh tế đã đưa ra rất nhiều dự báo tích cực về kinh tế Trung Quốc, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại, nhiều tổ chức tài chính lớn của thế giới đã điều chỉnh hạ dự báo của kinh tế nước này. Kinh tế Trung Quốc hiện đang chịu sức ép từ nhiều vấn đề như thất nghiệp và thị trường bất động sản tăng trưởng thiếu ổn định.
Dự báo về GDP Trung Quốc, một chỉ báo quan trọng ảnh hưởng đến đầu tư và thương mại toàn cầu, theo tính toán của các chuyên gia hiện đang chênh lệch với biên độ cao hơn so với trước đại dịch COVID-19, theo số liệu lịch sử được các chuyên gia thuộc Focus Economics tính toán.
“Thường sẽ khó để đưa ra dự báo chính xác, thế nhưng gần đây điều này còn khó hơn nữa. Sau đại dịch COVID-19 và những đợt phong tỏa, bất ổn dâng cao, thay đổi hành vi của người dân ngày một nhiều hơn”, giáo sư ngành kinh tế học tại đại học Willamette thuộc bang Oregon – ông Liang Yan phân tích.
“Khi mà thị trường bất động sản còn đang trì trệ và kỳ vọng lợi nhuận yếu, việc niềm tin suy giảm không khỏi gây ra áp lực lên nền kinh tế. Thứ hai, các thay đổi chính sách mang tính thích ứng chứ không phải chủ động. Các nhà hoạch định chính sách dường như đưa ra một số biện pháp, sau đó chờ đánh giá tác động và rồi quyết định sẽ làm gì tiếp theo. Điều này đồng nghĩa nền kinh tế có thể sẽ tăng trưởng yếu, sau đó cải thiện phần nào và rồi lại yếu đi, cần đến sự hỗ trợ của chính sách”, ông Liang nói.
Năm 2019, chênh lệch về dự báo với kinh tế Trung Quốc chỉ trong ngưỡng 0,1 điểm phần trăm, ngưỡng tăng trưởng trung bình dự báo ước tính 6,3%. Tăng trưởng thực tế cuối cùng là 6,1%.
Đầu năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Trung Quốc năm nay tăng trưởng 5,2%, con số này cao hơn so với ba lần dự báo trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 7/2023. Tuy nhiên đến tháng 10/2023, IMF dự báo về mức tăng trưởng dưới 5%. Trong tháng này, dự báo GDP của Trung Quốc được IMF tính toán ở ngưỡng 5,4% sau khi giới chức Trung Quốc công bố phát hành 1 nghìn tỷ nhân dân tệ trái phiếu cho các chính quyền địa phương.
Năm 2019, cơ quan tài chính thuộc Liên hợp quốc (UN) từng đưa ra nhiều dự báo về kinh tế Trung Quốc trong ngưỡng hẹp. Vào tháng 1/2023, dự báo là 6,2%, vào tháng 4/2023, dự báo là 6,3% và vào tháng 7/2023, con số này là 6,1%.
Các chuyên gia kinh tế dự báo các diễn biến năm nay sẽ có nhiều biến động tương tự như vậy bởi còn phải tính toán đến khối lượng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc, tình trạng thất nghiệp trong thanh niên Trung Quốc. Tình hình trên thị trường bất động sản đồng thời ảnh hưởng đến dự báo của các chuyên gia.
“Phần nhiều những quan điểm này có nguyên nhân từ các tuyên bố chính sách. Bất ổn kéo dài do đại dịch COVID-19 kể cả ở thời điểm một năm sau khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế”, chuyên gia phân tích hàng đầu về thương mại tại tổ chức nghiên cứu kinh tế của Economist (EIU) ở Hồng Kông – ông Nick Marro phân tích.
Mới đây, EIU đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Trung Quốc năm 2023 lên ngưỡng 5,5% từ ngưỡng 5,2% trước đó. Lý do chính là bởi Bắc Kinh thông báo về chương trình chi tiêu vào cơ sở hạ tầng trong ba tháng cuối của năm.
Chính quyền các địa phương tại Trung Quốc đã điều phố hạn mức 3,8 nghìn tỷ nhân dân tệ tức khoảng 524,4 tỷ USD huy động từ kênh trái phiếu để chi tiêu cho các dự án xây dựng lớn.
Vào đầu năm, cũng chính EIU từng dự báo kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,7%, tuy nhiên sau đó mức này được giảm xuống 5,2% vào giữa năm 2023 bởi số liệu kinh tế quý 2/2023 gây thất vọng.
Dựa trên diễn biến kinh tế quý 2/2023, có thể thấy quá trình kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19 chịu ảnh hưởng bởi việc niềm tin của doanh nghiệp tư nhân yếu đi, thất nghiệp cao kỷ lục và những đổ vỡ trên thị trường bất động sản. Các đợt phong tỏa kéo dài gây tổn hại đến tăng trưởng kinh tế năm 2022, đợt phục hồi mạnh mẽ mà nhiều người tin vào cuối cùng đã không trở thành hiện thực.
Trong lĩnh vực bất động sản, từ năm 2020 đến nay, chính phủ Trung Quốc đã cố gắng làm giảm rủi ro hệ thống bắt nguồn từ tình trạng vay nợ quá mức của nhiều doanh nghiệp bất động sản thông qua việc hạn chế không ít doanh nghiệp bất động sản vay nợ hoặc phát hành trái phiếu. Một số doanh nghiệp bất động sản lớn nhất Trung Quốc đã vỡ nợ.
Từ năm 2002 đến năm 2011, nền kinh tế Trung Quốc với trọng tâm xuất khẩu và đầu tư quy mô khoảng 18,1 nghìn tỷ USD đã tăng trưởng gần 10% mỗi năm, tuy nhiên xu thế tăng trưởng này dường như đang thay đổi.
Vào tháng 11/2023, tổ chức Moody’s Analytics nâng dự báo GDP lên ngưỡng 5,2% từ mức 5% trước đó bởi giữa năm nay, chính quyền Bắc Kinh công bố tăng quy mô ngân sách cả năm đồng thời phát hành thêm trái phiếu để huy động ước tính 1 nghìn tỷ nhân dân tệ, theo chuyên gia kinh tế tại Moody – ông Heron Lim nhấn mạnh. Cũng theo ông Lim, loạt biện pháp mới nhất đã làm thay đổi tính toán của Moody. Giờ đây ở hiện tại, nhóm nghiên cứu của ông cũng chưa chắc sẽ xử lý mọi chuyện như thế nào.
“Chúng ta đang chờ để xem liệu Trung Quốc có chấp nhận thâm hụt ngân sách cao hơn trong năm 2024 để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế và rằng liệu Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có phát đi thêm thông điệp về việc hạ lãi suất một khi FED bắt đầu chu kỳ hạ hãi suất dự kiến sẽ từ tháng 6/2023”, ông Lim lý giải.
Kinh tế Trung Quốc hiện đang đương đầu với rất nhiều thách thức, trong đó có thách thức từ bên ngoài và cả thách thức tại nội địa ví như tình trạng già hóa dân số. Các chuyên gia ước tính năm nay số trẻ em sinh ra tại Trung Quốc giảm 10% xuống còn 9 triệu em bé. Nhiều người trẻ thận trọng về triển vọng kiếm tiền của họ ngay cả khi mà Trung Quốc đã ngừng áp dụng các biện pháp kiểm soát COVID-19 ngặt nghèo.
Số lượng trẻ em Trung Quốc mới sinh ra đã giảm khoảng 40% trong 5 năm gần đây. Số lượng trẻ em sinh ra năm 2023 sẽ khoảng từ 7 đến 8 triệu”, giáo sư tại đại học Peking – ông Qiao Jie phân tích.
Theo South China Morning Post, Nikkei